Bộ Công Thương khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu cần cập nhật thông tin, diễn biến tình hình thực tế tại các cửa khẩu, tránh việc tiếp tục đưa hàng lên cửa khẩu khi nhiều xe hàng còn chưa được thông quan.
Trước tình trạng hàng nghìn xe container chở hàng hóa nông sản vẫn đang ùn ứ tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn do phía Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng dịch COVID-19 đối với người và phương tiện nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ, đồng thời khuyến cáo doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu cần cập nhật thông tin, diễn biến tình hình thực tế tại các cửa khẩu, tránh việc tiếp tục đưa hàng lên cửa khẩu khi nhiều xe hàng còn chưa được thông quan.
Ông Trần Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, phía bạn tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm phòng chống dịch covid-19 trong lúc nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc đang vào chính vụ thu hoạch nên đã phát sinh tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hóa, phương tiện cục bộ tại các cửa khẩu biên giới.
Bên cạnh các giải pháp của Bộ Công Thương như trực tiếp, điện đàm, gửi công thư, công hàm với các cơ quan phía Trung Quốc để đưa ra các giải pháp nhằm tạo thuận lợi thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực biên giới Việt – Trung cũng như trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương…
Ông Trần Quốc Toản khuyến cáo, thương nhân cần theo dõi sát diễn biến tình hình tại các cửa khẩu và thị trường bạn, thông qua các phương tiện thông tin và cảnh báo từ các địa phương: “Bộ Công thương trong thời gian qua đã thường xuyên thông tin và nhiều lần có văn bản khuyến cáo gửi các doanh nghiệp, hiệp hội cũng như đề nghị các địa phương, các vùng trồng trọng điểm tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người nông dân, các doanh nghiệp về một số nội dung: thứ nhất là thường xuyên cập nhật thông tin tình hình các tỉnh biên giới phía Bắc, đặc biệt trong thời điểm gần Tết về tình hình ùn ứ hàng hóa tại Lạng Sơn.
“Trong thời gian tới là phải lưu ý khi có những thông tin về lịch nghỉ Tết của phía Trung Quốc để có sự chủ động điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới cho phù hợp với năng lực thông quan tại khu vực cửa khẩu cũng như thời gian nghỉ cửa khẩu trong dịp Tết của phía Trung Quốc”, ông Toản lưu ý.
Bộ Công Thương cho biết, cùng với việc tăng cường làm việc với các cơ quan chức năng của phía bạn, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và Tham tán thương mại, đại diện thương vụ, đại diện các văn phòng Xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương chủ động nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa và các vấn đề liên quan khác tại khu vực cửa khẩu, đặc biệt là khi Chính quyền phía Trung Quốc có chính sách phát sinh đột xuất tác động đến hoạt động giao nhận, thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Đồng thời, tăng cường công tác phổ biến thông tin, quy định mới của thị trường Trung Quốc cho các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu nhằm thúc đẩy đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam; phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp và địa phương triển khai các Lệnh 248 và 249 của Hải quan Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2022…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, việc các thương nhân cần chủ động chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính).
“Bộ Công Thương đã nhiều lần nhấn mạnh, chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu đi Trung Quốc cần chuyển nhanh và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch. Chúng ta có thể thấy thực tế là trong những thời điểm khó khăn nhất thì xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông hết sức bình thường, chứ còn xuất khẩu tiểu ngạch thì nó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Hình thức trao đổi cư dân tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nhất là trong bối cảnh dịch bệnh…”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.
Cùng với khuyến cáo tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn… cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài, Bộ Công Thương cũng đề nghị thương nhân tăng cường trao đổi với đối tác phía Trung Quốc để: chuyển sang đi qua các khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai để giảm ùn ứ tại Lạng Sơn; Chuyển phương thức vận tải đi bằng đường biển đến các cảng của Trung Quốc như đối với mặt hàng thủy sản; Tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ trên nền tảng internet và mạng viễn thông để thúc đẩy xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến, giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử để tìm kiếm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và sang các thị trường tiềm năng khác.
Trong thời gian trước mắt, thay vì, tiếp tục chở hàng lên biên giới, các doanh nghiệp cần chủ động tham gia các chương trình kết nối, tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước, như: Chương trình Tháng khuyến mại tập trung Quốc gia năm 2021 để thực hiện kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Các địa phương sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn cần tăng cường các hoạt động kết nối với hệ thống phân phối trong nước.