Để quá trình xuất khẩu sang thị trường châu Âu thực sự thông thoáng và bền vững, hàng hóa của Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định không dễ dàng. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt cần nỗ lực hơn nữa mới có thể bứt phá trên ‘con đường cao tốc’ này.
Suốt 2 năm qua, dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp dẫn đến chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu bị đứt gãy, trong đó Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã nổi lên như một điểm sáng, điểm tựa vững chắc cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận và chinh phục thị trường châu Âu.
Giới chuyên gia đánh giá, ngoài cơ hội về mở rộng, đa dạng hóa thị thị trường, Hiệp định EVFTA đã đem lại cho Việt Nam cơ hội để cải cách thể chế, minh bạch hóa, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh và chuyển đổi cơ cấu hàng hóa hướng tới xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, để quá trình xuất khẩu thực sự thông thoáng và bền vững, hàng hóa của Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định không dễ dàng. Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần nỗ lực hơn nữa để mới có thể bứt phá trên “con đường cao tốc” này.
Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), với những gì doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua, bộc lộ rõ nhất là việc doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khúc mắc trong vấn đề về quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ và kiểm định chất lượng.
Bà Hiền cho hay, đối với quy chuẩn, yêu cầu về quy tắc, nguồn gốc xuất xứ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vướng không ít tình huống éo le, dở khóc dở cười. Cụ thể, trong quá trình xuất khẩu một lô hàng dệt may của doanh nghiệp Việt sang thị trường châu Âu cùng 1 mặt hàng, cùng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra, nhưng nếu sản phẩm đó xuất khẩu sang thị trường khối ASEAN yêu cầu đặt ra lại hoàn toàn khác.
Đơn cử như với thị trường Singapore, sản phẩm dệt may sẽ đáp ứng xuất xứ Việt Nam bởi Singapore là thành viên của ASEAN và trong khuôn khổ ASEAN, sản phẩm thành phẩm chỉ cần là quần áo đã được coi là có xuất xứ Việt Nam, đồng nghĩa khi sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này sẽ được hưởng ưu đãi.
Nhưng cũng cùng loại sản phẩm đó dù đúng quy trình từ đầu vào đến đầu ra, khi xuất khẩu sang thị trường EU lại phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ vải trở đi, có nghĩa là quy tắc 2 công đoạn, công đoạn dệt vải và cắt may quần áo phải được thực hiện tại các nước thành viên của Hiệp định EVFTA mới được hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ EVFTA.
Đặc biệt, khi sản phẩm dệt may đó xuất sang Canada, quy tắc xuất xứ lại theo khuôn khổ hiệp định CPTPP nghĩa là phải có xuất xứ từ nguyên liệu sợi qua công đoạn se sợi, dệt thành vải và cắt may thành quần áo đều phải thực hiện tại các nước thành viên CPTPP thì mới được hưởng ưu đãi.
“Từ đây mới xảy ra tình huống sản phẩm may mặc dù cùng của 1 nhà máy xuất khẩu đi, khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (C/O) trong ASEAN thì các tổ chức của Bộ Công Thương vẫn cấp bình thường, nhưng khi cấp C/O đi EU thì không đáp ứng và lô hàng đó không đạt tiêu chí có xuất xứ Việt Nam”, bà Hiền nêu thực tế và chỉ rõ, dù cùng 1 mặt hàng và do 1 nhà máy sản xuất, nhưng khi xuất đi các thị trường khác nhau thì quy tắc xuất xứ áp dụng khác nhau. Do đó, bà Hiền lưu ý, các doanh nghiệp trước khi xuất khẩu hàng hóa đến thị trường nào đều cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường đó, để có thể làm hồ sơ chứng minh xuất xứ cho phù hợp.