TRIỂN KHAI NHIỀU HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI GIỮA VIỆT NAM VÀ AUSTRALIA

Sau 7 tháng, xuất khẩu nông thuỷ sản, dệt may, giày dép của Việt Nam sang Australia đều tăng trưởng mạnh. Các nhà nhập khẩu tại Úc tin rằng Việt Nam sẽ chống dịch hiệu quả, đảm bảo lưu thông xuất khẩu thuận lợi.

Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại

Thương vụ Việt Nam tại Australia hiện đang triển khai các chương trình: Xúc tiến nâng tầm thương hiệu gạo Việt Nam “Viet Nam – Land of World’s best rice”; đồng loạt mời dùng thử gạo Việt Nam tại nhiều bang kéo dài hơn 1 tháng. Quý doanh nghiệp muốn tham gia có thể gửi email đăng ký với Thương vụ.

Bên cạnh đó, Thương vụ tiếp tục quảng bá gừng Việt Nam (đông lạnh), Xúc tiến thương hiệu sầu riêng “Ri6 Durian – Another king”.

Sau đợt quảng bá, sầu riêng Ri6 đang rất được người tiêu dùng quan tâm. Tuy nhiên, đề nghị nhà xuất khẩu giúp giữ chất lượng, cùng đồng lòng để Ri6 tại Australia không thua bất cứ sầu riêng ngon nhất của nước nào. Đồng thời, chuẩn bị xúc tiến thương hiệu sầu riêng Dona Durian.

Thương vụ cũng đang chuẩn bị thực hiện Chương trình “Nhà hàng Việt chuẩn vị” để thúc đẩy thương hiệu nông sản gia vị Việt Nam. Chương trình thúc đẩy đồ uống Việt tại hệ thống phân phối lớn. Và các chương trình triển lãm trực tuyến với quy mô lớn nhất từ trước đến nay gồm các mặt hàng có kim ngạch lớn, tận dụng Hiệp định Thương mại CPTPP.

 

Cập nhật tình hình Covid-19 tại Australia 

Cập nhật lúc 11:45am ngày 20/8, trong vòng 24 giờ qua. Bang NSW có 642 ca nhiễm cộng đồng,thấp hơn so với con số kỷ lục của ngày 19/8 là 681 ca. Lệnh phong tỏa tại khu vực Greater Sydney sẽ kéo dài thêm 01 tháng, đến cuối tháng 9/2021. Từ 12h đêm ngày 23/8, người dân tại 12 khu vực (gồm Bayside, Blacktown, Burwood, Campbelltown,Canterbury-Bankstown, Cumberland, Fairfield, Georges River, Liverpool, Parramatta, Penrith và Strathfield) phải tuân theo lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối hôm trước tới 5 giờ sáng hôm sau. Khu vực thủ đô (Australia Capital Territory) ghi nhận 12 ca nhiễm mới và lệnh phong tỏa kéo dài đến ngày 02/9 (ngày 19/8 ghi nhận 16 ca nhiễm mới). Bang Victoria ghi nhận 55 ca nhiễm mới và lệnh phong tỏa kéo dài tới 26/8. Bang Queensland ghi nhận 01 ca nhiễm mới và sẽ nới lỏng biện pháp giãn cách từ ngày 20/8.

Căng thẳng thương mại Australia- Trung Quốc

Căng thẳng thương mại Úc – Trung Quốc diễn biến theo chiều hướng xấu đi khi giá quặng sắt giảm mạnh (Quan điểm theo báo: https://thenewdaily.com.au1 ) khiến nền kinh tế Australia phải hứng chịu những khó khăn lớn.

Quặng sắt vẫn là một điểm sáng trong mối quan hệ của Úc với Trung Quốc năm qua, với việc giá cả tăng vọt dẫn đến việc Australia thu hàng tỷ đô la, bù đắp các hạn chế của các mặt hàng xuất khẩu khác sang Trung Quốc. Tuy nhiên, giá sắt hiện đã giảm từ mức đỉnh là 219,77 USD/tấn (khoảng 313,9 AUD/tấn) ngày 17/6 xuống chỉ còn 167,94 USD/tấn (khoảng 239,9 AUD/tấn) vào ngày 12/8 và vẫn tiếp tục đà giảm mạnh xuống 159,95 USD/tấn (228,5 AUD/tấn) vào ngày 18/8 khi Trung Quốc giảm sản xuất thép (Giá quặng sắt ở mức AUD 228/tấn vẫn cao hơn so với mức trung bình dài hạn là gần AUD 68/tấn).

Động thái này là một phần trong nỗ lực lớn của Trung Quốc nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào quặng sắt vào Australia. Sắt của Australia phần lớn xuất khẩu sang Trung Quốc, việc giảm giá có tác động lớn đến nền kinh tế Australia. Theo số liệu của Cục Thống kê Australia (ABS), tháng 6/2021, khi giá lên đến đỉnh điểm, Australia đã bán khoảng 1 tỷ AUD quặng sắt cho Trung Quốc, khoản tiền thu được đã giúp Chính phủ Australia có các gói tài trợ phục hồi do Covid-19. Nhà kinh tế Saul Eslake cho biết giá quặng sắt có thể sẽ tiếp tục giảm trong ít nhất sáu tháng nữa.

Điều này khiến Australia phải gánh chịu những tổn thất lớn do căng thẳng thương mại. Hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm từ 25 tỷ AUD năm 2019 xuống còn 5,5 tỷ AUD từ khi căng thẳng thương mại bắt đầu. Tổng cộng, con số này còn nhiều hơn giá trị thương mại quặng sắt của Australia xuất sang Trung Quốc. Điều đó cho thấy, khi giá sắt thấp hơn, Australia đã bán nhiều hàng hóa khác vào Trung Quốc, những hàng hóa hiện đã phải tạm dừng do căng thẳng thương mại. Hàng hóa hiện Australia xuất khẩu tỷ trọng lớn hơn cho Trung Quốc là sắt, vàng, len và một số kim loại cơ bản

Theo dữ liệu của Đại học Adelaide, các hạn chế của Trung Quốc đối với các mặt hàng xuất khẩu khác – bao gồm than đá, đồng, thịt bò, rượu, bông, lúa mạch, gỗ và tôm hùm – đã khiến Chính phủ Australia mất đi 6,6 tỷ AUD từ tháng 6/2020 đến tháng 2/2021. Mức hao hụt này có thể tăng lên 23 tỷ AUD nếu các hạn chế làm cho ngừng hẳn hoạt động xuất khẩu trong vòng 12 tháng. Hiện nay các các nhà xuất khẩu của Australia đang tìm kiếm các thị trường khác ngoài Trung Quốc, nhưng đến nay có những kết quả khác nhau. Theo bài báo ra tháng 7 của các cựu quan chức Bộ Ngoại giao và Thương mại Ron Wickers, Mike Adams và Nicolas Brown, việc tìm thị trường cho lúa mạch đã thành công mặc dù lợi nhuận thấp hơn. Trong khi đó rượu vang và tôm hùm đã gặp khó khăn. Than đã được xuất khẩu với mức chiết khấu lớn. Điều này làm dấy lên nguy cơ nền kinh tế Úc sẽ bị ảnh hưởng trong trung hạn, ngay cả khi các nhà xuất khẩu đảm bảo các kênh cung cấp mới.

Lượng khách du lịch nước ngoài tới Australia giảm 98% trong giai đoạn 2020-21

Theo dữ liệu của Cục Thống kê Australia (ABS) công bố ngày 17/8/21, trong năm tài chính 2020-2021, có 151 nghìn lượt khách nước ngoài đến Australia để du lịch ngắn hạn, giảm 98% so với cùng kỳ năm trước. Trước đại dịch (2019) khách du lịch tới Australia đạt mức cao kỷ lục 9,5 triệu lượt, trong đó 47% lý do là đi nghỉ. Trong khi đó, thời kỳ đại dịch (2020-21), thăm thân là lý do chính, chiếm 54%. Trong số 151 nghìn lượt khách nêu trên, phần lớn (84 nghìn) là những người đến từ New Zealand thông qua chương trình du lịch tới Tasmania – “Trans-Tasman travel bubble”.

Về lượng khách du lịch ngắn hạn đến Australia (thời gian lưu trú dưới 01 năm), tháng 6/2021 có tổng số 36.770 lượt khách, tăng 580 lượt so với tháng 5/2021 và tăng 31.380 lượt khách so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 6/2021, lượt khách du lịch ngắn hạn tới Australia giảm 94% so với thời kỳ trước dịch Covid tháng 6/2019. Trong đó, ba nước có lượng khách du lịch tới Australia đông nhất là: New Zealand (27.390 lượt khách), chiếm 74,4% tổng lượt khách tới Australia, Hoa Kỳ (1.440 lượt khách) chiếm 3,9% và Anh (870 lượt khách) chiếm 2,3%. Các bang thu hút số lượng khách du lịch đông nhất là Bang New South Wales (16.880 lượt khách cư trú) trong khi Lãnh thổ phía Bắc ghi nhận mức thấp nhất (330 lượt khách cư trú). Về số lượng sinh viên quốc tế đến Australia: So sánh lượng sinh viên quốc tế đến mỗi tháng theo loại thị thực cho từng tiểu bang và vùng lãnh thổ trên toàn nước Australia, bao gồm cả thời gian ngắn hạn (dưới 01 năm) hoặc dài hạn (trên 01 năm).

Tháng 6/2021, có 470 sinh viên quốc tế đến Australia, tăng 410 sinh viên so với tháng 6/2020, tuy nhiên giảm 99% so với tháng 6/2019 mức trước Covid-19.

Chính phủ hỗ trợ các nhà xuất khẩu vươn ra toàn cầu

Ngày 16/8/2021, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Du lịch và Đầu tư Australia Dan Tehan cho biết những cải cách gần đây của Chương trình trợ cấp phát triển thị trường xuất khẩu (EMDG) sẽ hỗ trợ tốt hơn cho các nhà xuất khẩu của Australia trên trường thế giới, giúp hỗ trợ việc làm và doanh nghiệp địa phương.

Chương trình đã được đơn giản hóa thủ tục pháp lý, quy trình đăng ký và chuyển sang “chương trình tài trợ định hướng”/forward-looking grant program nhằm đảm bảo các nhà xuất khẩu biết họ sẽ nhận lại được bao nhiêu trước khi chi tiêu. Ông Tehan cho biết Chính phủ Australia đã dành 214,5 triệu AUD để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu cho hơn 4,7 nghìn doanh nghiệp Australia thông qua chương trình EMDG trong giai đoạn 2020-21. Các doanh nghiệp này đã sử dụng hơn 70 nghìn người và tạo ra khoảng 4,7 tỷ AUD từ hoạt động xuất khẩu. Một số doanh nghiệp thành công tiêu biểu như: Wiggles, Atlassian và Penfolds. Kể từ năm 1974, EMDG đã hỗ trợ gần 50 nghìn nhà xuất khẩu của Australia và trợ cấp khoảng 5,7 tỷ AUD. Năm thị trường xuất khẩu hàng đầu mà doanh nghiệp Australia nhận được tài trợ của EMDG trong giai đoạn 2020–21 là: Mỹ (56,9%), Anh (25,3%), Trung Quốc (17,5%), Singapore (8,9%) và Canada (8,6%) .

Leave a Reply

Your email address will not be published.

contact us