Sự phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới đã và đang tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt. Doanh nghiệp Việt có thể tận dụng nhu cầu thị trường lớn và đa dạng, quy mô thị trường không ngừng tăng của Trung Quốc.
Chia sẻ về cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Nông Đức Lai – Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, quy mô thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới ở Trung Quốc không ngừng mở rộng, giai đoạn 2016 – 2022 (ước) đều đạt tăng trưởng trên 02 con số. Bên cạnh đó, kết cấu xuất nhập khẩu qua TMĐT XBG ở Trung Quốc có xu hướng thu hẹp khoảng cách giữa xuất khẩu và nhập khẩu (Trung Quốc nhập khẩu ngày càng nhiều hơn từ thế giới).
Theo ông Lai, giai đoạn 2016 – 2020, hình thức B2C phát triển mạnh mẽ dưới sự phát triển, ưu thế và không ngừng hoàn thiện trong Logistic, thanh toán, nền tảng mua sắm. Kết cấu giữa B2B và B2C trong TMĐT XBG ở Trung Quốc có tốc độ thu hẹp khá nhanh; Đặc biệt ngày 27/4/2020, Quốc Vụ viện Trung Quốc thông báo phê chuẩn 46 thành phố và địa phương thiết lập Khu thí điểm tổng hợp TMĐT XBG (tăng 23 Khu so với đợt phê chuẩn lần 04 vào năm 2019), tạo điều kiện thúc đẩy phát triển toàn diện hình thức TMĐT XBG.
Sự phát triển TMĐT XBG đã và đang tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt. Doanh nghiệp Việt có thể tận dụng nhu cầu thị trường lớn và đa dạng, quy mô thị trường không ngừng tăng của Trung Quốc, đồng thời, có thể tận dụng các chính sách của Trung Quốc về thuế, hệ thống kho bãi, logistic, chính sách hoàn trả… từ TMĐT XBG.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng hệ thống TMĐT khổng lồ và tiện dụng của Trung Quốc, nhu cầu mua sắm trên mạng của người dân Trung Quốc lớn, kết cấu giao dịch giữa B2B và B2C theo hướng cân bằng hơn, kim ngạch nhập khẩu tăng cao – thu hẹp khoảng cách giữa XK và NK;
Cũng theo ông Lai, doanh nghiệp Việt vẫn phải đối mặt nhiều thách thức, cụ thể là tiêu chuẩn khắt khe về hàng hóa nhập khẩu, các sản phẩm nông sản cần chế biến sâu và đóng gói đẹp mắt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Trung Quốc; Nguồn nhân lực thông thạo ngoại ngữ (chủ yếu bằng tiếng Trung). Ngoài ra, doanh nghiệp Việt năng lực xây dựng thương hiệu cá nhân còn yếu và chưa có hệ thống Kho hàng tại Trung Quốc.
Khuyến nghị một số giải pháp cho doanh nghiệp, ông Lai nhấn mạnh, cần thành lập nhóm chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT giữa hai Bên nhằm thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường Trung Quốc qua kênh TMĐT.
Tiếp tục thu hút đầu tư vào các ngành chế biến sâu, đóng gói nhằm đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, tạo đầu ra mới cho nông sản Việt Nam.
“Cần tính toán khả năng hợp tác với các doanh nghiệp TMĐT Trung Quốc nhằm đưa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam qua kênh TMĐT XBG được sử dụng các kho hàng tại Trung Quốc, từ đó, tận dụng tối đa ưu đãi của Trung Quốc. Doanh nghiệp cần tập trung định hướng xuất khẩu các sản phẩm qua TMĐT XBG hiện có mà Trung Quốc có nhu cầu lớn như hàng may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ…”, ông Lai nói.