Logistics xanh, bền vững
Logistics xanh bao gồm tất cả các nỗ lực để giảm thiểu các tác động sinh thái của hoạt động logistics nhằm mục tiêu để tạo ra giá trị bền vững khi cân bằng giữa hiệu quả kinh tế và bảo vệ mội trường như: giảm lượng khí thải CO2, tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kinh doanh.
Cùng với các cam kết chống biến đổi khi hậu và giảm thiểu khí cacbon, các nhà đầu tư nước ngoài thường ưu tiên lựa chọn các địa phương có kết nối vận tải đa phương thức, nhất là các hình thức vận tải xanh như đường thủy, đường sắt để thể hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường với cộng đồng.
Riêng với việc vận chuyển bằng đường thủy nội địa kết nối hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng đến các địa phương khu vực phía Bắc đã có nhiều lợi thế hơn mà khi khách hàng có thể giao nhận hàng hóa gần với nhà máy, khả năng đáp ứng vận chuyển nhanh các lô hàng lớn, vai trò quan trọng trong giảm thiểu khí các bon bảo vệ môi trường khi mỗi chiếc sà lan có thể chuyển lượng container tương đương với 50 – 80 xe đầu kéo tùy vào kích cỡ sà lan khai thác và loại container.
Là doanh nghiệp khai thác cảng và cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu Việt Nam, những năm qua Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn luôn thể hiện vai trò tiên phong trong xây dựng cảng xanh, logistics xanh và ứng dụng phương thức giao nhân điện tử và chúng từ không dùng giấy ( Eport, EDO). Tại khu vực phía Bắc, TCT TCSG cũng đã phát triển Giải pháp vận tải đa phương thức (thủy – bộ kết hợp) để vận chuyển hàng hóa thông suốt tuyến Bắc Ninh – Hải Phòng đáp ứng nhu cầu sản xuất. Giải pháp này được triển khai kết hợp đồng bộ giữa Vận tải thủy Tân Cảng, cùng các đơn vị vận tải bộ với điểm trung chuyển tại ICD Tân Cảng – Quế Võ (Bắc Ninh)- Cảng đã nhận Quyết định Công bố cảng cạn của Bộ GTVT từ ngày 19/8/2021 và các Cảng Tân Cảng- 128, Cảng nước sâu Tân Cảng-HICT và các cảng khác tại Hải phòng. Hy vọng từ hiệu quả của giải pháp trên sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm lựa chọn phù hợp cho hoạt động của mình.
Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing cho biết, Tân Cảng Sàn Gòn đang đi đúng với định hướng của Chính phủ cũng như thế giới đó là chuyển dần, giảm dần tỷ trọng đường bộ và tăng dần tỷ trọng đường thủy. Để thực hiện hiệu quả các chiến lược logistics xanh, kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, cần có chính sách ưu đãi về thuế – lãi suất cho các đơn vị đầu tư trang thiết bị công nghệ xanh; khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng CNTT; phát triển phương thức vận tải đường thủy/đường sắt; quy hoạch phát triển cảng biển mang tính đồng bộ Port – Centric Logistics; các cơ quan ban ngành phối hợp giải đáp các khó khăn, vướng mắc liên quan đến thông tư 39, Nghị định 59/2018/NĐ-CP…
Phương thức vận tải tối ưu trong bối cảnh dịch COVID-19
Hiện nay, tại khu vực miền Bắc, hơn 90% sản lượng luân chuyển hàng hóa thông qua phương thức vận tải bộ. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các địa phương phải áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát dịch trên các tuyến đường, việc này khiến cho phương thức vận tải bộ gặp nhiều cản trở, các doanh nghiệp khu vực miền Bắc rơi vào trạng thái bị động khi không thể luân chuyển hàng hóa kịp thời, chi phí phát sinh tăng cao khi các lái xe phải xét nghiệm thường xuyên.
Từ thực tế này, các nhà sản xuất, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp xuất nhập khẩu linh hoạt lựa chọn phương thức vận chuyển mới ưu việt hơn để đảm bảo được chuỗi cung ứng cũng như kế hoạch xuất nhập khẩu đặc biệt những tháng cuối năm khi lượng hàng tăng cao.
Với các ưu điểm như được ưu tiên mặc định luồng xanh trong thời kì dịch bệnh, khả năng vận tải lớn và ít xả thải, thêm vào đó, hệ thống đường thủy khu vực phía Bắc cũng đáp ứng được yêu cầu kết nối đến các cảng, do đó vận tải thủy nội địa được đánh giá là phương án vận tải phù hợp với các tiêu chí mà các doanh nghiệp phía Bắc cần, nhất là ngay trong thời điểm COVID-19.
Tại hội thảo ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, lượng hàng container vận chuyển bằng phương tiện thủy ở phía Bắc tăng trưởng tích cực. Theo thống kê 9 tháng đầu năm sản lượng vận chuyển hàng đường thủy nội địa tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Riêng với container được vận chuyển bằng phương tiện thủy qua cảng biển Hải Phòng năm 2019 đạt khoảng 40.000 TEUs, năm 2020 đạt hơn 73.518 TEUs, thì chỉ tính 8 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 64.100 TEUs. Số liệu cho thấy, xu hướng vận chuyển hàng hóa bằng conttainer đường thủy là xu hướng rõ rệt.
“Với khu vực phía Bắc này, chúng tôi coi Bắc Ninh – Quế Võ là điểm sáng, đặc biệt là việc gom hàng container bằng đường thủy nội địa về đến cảng cửa ngõ Hải Phòng. Bắc Ninh không chỉ phục vụ hàng hóa riêng Bắc Ninh mà cả các địa bàn lân cận như Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nội,… Đây là tuyến mẫu, điểm sáng trong khai thác phát triển đường thủy nội địa phcuj vụ vận tải xanh khu vực phía Bắc”.