GỠ KHÓ VỀ CHI PHÍ XUẤT, NHẬP KHẨU CHO DOANH NGHIỆP

Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hiện phải đối mặt rất nhiều thách thức do chi phí hoạt động tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hải quan đang triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi thương mại, tiết giảm chi phí xuất, nhập khẩu.

Dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cước vận tải đồng loạt tăng mạnh, đặc biệt ở các tuyến đi châu Âu, châu Mỹ… Gần đây, xung đột Nga – Ukraine đẩy giá dầu và nhiều loại nguyên, nhiên liệu tiếp tục tăng vọt khiến chi phí xuất, nhập khẩu trở thành gánh nặng vượt quá sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp. Hiện chi phí vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển, hàng không đã tăng nhiều lần so với thời điểm chưa có dịch.

Trước khi xảy ra dịch Covid-19, cước vận chuyển tàu biển chỉ khoảng 1.000-3.000 USD/container, sau đó đã tăng lên 10.000 USD/container và hiện tại là 14.000 – 15.000 USD/container 40 feet. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) thông tin: “Chi phí logistics của Việt Nam cao hơn nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới, khiến cho chi phí hàng hóa của Việt Nam tăng theo và làm mất lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực châu Á. Do đó, việc tìm giải pháp kéo giảm chi phí này là yêu cầu cấp thiết để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam”.

Thị trường vận tải hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 15,3%/năm, nhưng các hãng hàng không hiện vẫn chỉ vận chuyển hàng hóa kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách, chưa có hãng hàng không vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng. “Trước đây, giá cước vận chuyển hàng hóa từ châu Á đi Mỹ là khoảng 1-1,8 USD/kg, nhưng hiện nay đã lên mức 17-18 USD/kg. Với mức tăng chi phí lên tới 10 lần như vậy thì doanh nghiệp không chịu nổi.

Trong khi chi phí logistics chiếm tới 20-25% đã bào mòn hết lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu” -ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết. Ông Trần Việt Huy, Trưởng ban Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại-Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng: Đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có hoạt động logistics. Kết quả khảo sát cho thấy khoảng 97% doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ bị tác động nặng nề. Từ tháng 5/2020, hoạt động logistics được phục hồi theo nền kinh tế, nhưng hiện nay khoảng 20% doanh nghiệp logistics vẫn còn suy giảm về hoạt động. So với trước đại dịch, hàng hóa vận tải qua biên giới, đặc biệt với Trung Quốc vẫn bị tắc nghẽn.

Là đơn vị hải quan quản lý địa bàn có lưu lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu chiếm 50% thị phần của cả nước, hơn 80% sản lượng hàng hóa tại cảng biển thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, Cục Hải quan thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.

Trong đó, Cục Hải quan thành phố đã ban hành Quyết định 2318, ban hành “Đề án Tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa xuất, nhập khẩu tại cảng Cát Lái” với ba giải pháp: xây dựng mô hình làm việc tập trung, khép kín, thực hiện thủ tục hải quan 24/7 trên cơ sở thiết lập kênh trao đổi thông tin riêng giữa cơ quan hải quan – Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn – doanh nghiệp để thực hiện thủ tục hải quan, thủ tục giao nhận hàng hóa cho các doanh nghiệp tham gia đề án; bố trí khu vực xếp hàng hóa riêng, có phương án giao nhận hàng hóa tại cầu cảng và phân luồng di chuyển riêng cho xe chở container của các doanh nghiệp tham gia đề án; ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng Hệ thống giám sát trực tuyến quá trình làm thủ tục hải quan-giao nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu và đánh giá mức độ hài lòng của người đi làm thủ tục hải quan.

Ông Đặng Thái Thiện, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Những giải pháp trên đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu giảm 70% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan; giảm 70% thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa, từ đó giảm chi phí, thời gian thông quan cho doanh nghiệp”.

Theo ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phát triển hoạt động xuất, nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã tích cực hoàn thiện hệ thống thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời triển khai nhiều giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin như: thực hiện thủ tục hải quan hoàn toàn bằng phương thức điện tử; thanh toán điện tử (E-Payment); thay thế các thủ tục hành chính bằng việc chuyển đổi sang hình thức kết nối, trao đổi dữ liệu thông tin điện tử; cung cấp miễn phí phần mềm khai hải quan cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu.

Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Các giải pháp nêu trên của cơ quan hải quan đã góp phần đáng kể vào việc cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, tiết kiệm được nhiều chi phí cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành hải quan cũng nêu ra những bất cập khiến việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu vẫn gặp khó khăn. Đó là thủ tục xuất, nhập khẩu liên quan đến 50 luật, trên 200 nghị định và thông tư của các bộ, ngành đòi hỏi sự chuẩn hóa từ phía hải quan cũng như từ phía doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục. Nếu doanh nghiệp không nắm rõ, việc triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn vướng mắc.

“Do đó, rất cần sự chung tay, cùng phối hợp nhịp nhàng của tất cả các cơ quan liên quan cùng hỗ trợ doanh nghiệp. Trong giai đoạn tới, Hải quan Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính một cách sâu rộng, toàn diện nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; trong đó sẽ tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin ngành hải quan, hướng tới Hải quan số, Hải quan thông minh” -ông Đào Duy Tám nhấn mạnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

contact us