CƯỚC GIAO NGAY ĐANG GIẢM

Cước vận chuyển container giao ngay đang giảm, và nhiều nhà phân tích trong ngành vận tải container đường biển khi được Splash thăm dò ý kiến ​​đã dự đoán rằng cước giao ngay không có khả năng tăng đáng kể trong phần còn lại năm 2021, năm ghi nhận những kỷ lục về cước vận tải biển.

Ngành vận tải container đường biển dự kiến sẽ đạt được mức lợi nhuận vượt qua con số 150 tỷ USD trong năm nay, gấp hơn 5 lần kỷ lục trước đây mà các hãng tàu đã tạo ra, mức lợi nhuận này đạt được trong bối cảnh giá cước tăng lên mức cao chưa từng thấy trong lịch sử.

Tuy nhiên, khi mùa cao điểm vận chuyển hàng hóa đã qua và các hãng tàu thì đang tập trung vào việc tìm kiếm thêm khách hàng chấp nhận kí vào các hợp đồng dài hạn, thì thị trường cước giao ngay đang dần bước vào trạng thái rơi tự do (free-fall).

Tuần 44 chứng kiến mức sự sụt giảm lớn nhất theo tuần của Chỉ số tổng hợp cước thế giới (WCI – World Composite Index, do hãng tư vấn Drewry xây dựng và là chỉ số đo lường mức cước giao ngay trên toàn cầu) kể từ ngày 30 tháng 11 năm 2017, theo đó, WCI đã giảm 4,9% trong tuần đầu tiên của tháng 11.

Ông Simon Heaney, Trưởng nhóm nghiên cứu ngành container của Drewry nhận định với Splash, “Chúng tôi nghĩ rằng cước giao ngay có thể sẽ tiếp tục giảm trong khoảng thời gian còn lại của năm nay, nhưng chúng sẽ vẫn ở mức cao, tạo tiền đề cho mức cước hợp đồng sẽ là khá cao trong năm tới”.

Trong khi đó, ông Peter Sand, Phân tích trưởng của đơn vị tư vấn cước Xeneta cho biết “Xeneta nhận thấy rõ xu hướng mà mức cước giao ngay trung bình hiện đã vượt qua mức đỉnh. Cho đến khi có một sự cố nghiêm trọng nào đó xảy ra, thì mọi việc sẽ tiếp tục theo chiều hướng hiện tại”. Peter Sand đã gia nhập Xeneta trong tháng 11/2021 sau 12 năm làm việc tại BIMCO (Công hội hàng hải quốc tế và vùng Baltic).

Còn ông Shabsie Levy, người sáng lập thương hiệu giao nhận hàng hóa kỹ thuật số Shifl, thì nhận xét: “Với tình hình hoạt động mua sắm trong kỳ nghỉ lễ có vẻ như đã kết thúc và lượng hàng chuẩn bị cho mùa cuối năm hiện đang nằm trong hàng nghìn container trên những con tàu đang làm hàng hoặc neo đậu ở khắp nước Mỹ, giá cước giao ngay đang theo đà giảm xuống trong tháng 11 này”.

Trên ba tuyến hàng hải có lượng hàng lớn từ châu Á đến Mỹ và EU (tuyến Á – Âu, châu Á – bờ Đông Bắc Mỹ và châu Á – bờ Tây Bắc Mỹ), cước giao ngay trong tháng 11 đã giảm so với cuối tháng 10. Hơn nữa, một số hãng tàu hiện đang bỏ hoặc không thu các khoản phụ phí đã áp dụng trước đó.

Nhưng cả hai chuyên gia Sand và Levy đều dự đoán rằng đợt cao điểm hàng hóa trước Tết Nguyên đán có thể sẽ đảo ngược xu hướng giảm cước vào đầu tháng 1/2022.

Ông Shabsie Levy dự báo, “Sau Tết Nguyên đán, khi chúng ta bước vào thời điểm mà trong quá khứ thường là những tháng bình lặng hơn, tôi tin tưởng rằng ngành vận tải biển sẽ ghi nhận cước vận chuyển sẽ giảm một cách ‘từ tốn’.”

Đối với các mức cước vận chuyển dài hạn, ông Peter Sand cho rằng các mức cước trên các tuyến thương mại chính đang khá ổn định trong thời điểm hiện tại.

Và những chủ hàng đang hy vọng sớm có thể thương lượng được mức cước vận chuyển dễ thở hơn và linh hoạt hơn có thể sẽ phải đối mặt với sự thất vọng.

Viết trên mạng xã hội LinkedIn, chuyên gia Lars Jensen, Giám đốc điều hành của hãng tư vấn Vespucci Maritime, cảnh báo: “Chúng ta cần kỳ vọng vào một trạng thái bình thường mới, trong đó khi mức cước vận tải nói chung là vẫn sẽ cao hơn so với cước vào năm năm 2019, nhưng tất nhiên là thấp hơn nhiều so với hiện tại. Không phải chỉ vì đại dịch và tắc nghẽn. Dù sao thì điều này (cước ở mức cao hơn so với trước) cũng sẽ xảy ra và là hệ quả của quá trình hợp nhất trong ngành đã làm tăng sức mạnh thị trường với các hãng tàu.”

Cước giao ngay tuyến Trung Quốc – Bờ Tây Bắc Mỹ theo ghi nhận của Shifl từ tháng 8/2019 đến tháng 11/2021

Leave a Reply

Your email address will not be published.

contact us