Đại dịch Covid-19 đã làm lộ rõ sự “mong manh” của chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng thay đổi và chấp nhận các phương thức vận chuyển kết hợp – điều mà vô cùng hiếm trước giai đoạn dịch bệnh diễn ra.
Theo báo cáo của Toll Global Forwarding, đại dịch đã rút ngắn chuỗi cung ứng, cũng như thúc đẩy xu hướng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển – đường hàng không. Theo đó, hãng vận chuyển nhấn mạnh, tốc độ thay đổi trong lĩnh vực logistics 2 năm qua thậm chí còn nhanh hơn cả 2 thập kỷ, với “xu hướng rõ ràng là hướng đến các chuỗi cung ứng trong khu vực, ở phạm vi ngắn hơn”.
Rajeev Sood, Phó Chủ tịch của Toll khu vực ASEAN và tiểu lục địa Ấn Độ khẳng định, khả năng phục hồi hiện nay là yếu tố chủ chốt trong việc lập kế hoạch với các chuỗi cung ứng. Ông chia sẻ: “Điều này có nghĩa là, trong khi một số lĩnh vực vẫn tiếp tục phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thì nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, sẽ rút ngắn chuỗi cung ứng của mình, cũng như đa dạng theo khu vực. Điều này nhằm tăng cường khả năng chống chọi với những gián đoạn có thể xảy ra trong tương lai”.
Bên cạnh đó, đại diện của Toll cho rằng, nhu cầu kiểm soát chi phí, cũng như khả năng phục hồi sẽ thúc đẩy sự gia tăng của các phương thức vận tải mới. Từ đó, liên kết giữa vận tải biển và hàng không ngày càng trở nên phổ biến.
“Ví dụ, khi vận tải hàng hoá bằng đường biển và đường hàng không vẫn liên tục tắc nghẽn, nhiều khách hàng tại Toll đã sẵn sàng thay đổi và chấp nhận các phương thức vận chuyển kết hợp – điều mà vô cùng hiếm trước giai đoạn dịch bệnh diễn ra”.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang vận chuyển bằng đường sắt hoặc đường bộ giữa các khu vực như châu Á và châu Âu. Theo ông Rajeev, trong ngắn và trung hạn, việc kết hợp giữa vận tải đường biển và đường hàng không vẫn là lựa chọn thay thế tốt nhất, xét cả về hiệu quả chi phí, lượng khí thải carbon và công suất tổng thể.
Thời gian qua, ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước như Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia. “Apple đã bắt đầu sản xuất ở Ấn Độ, và TTI – tập đoàn lớn của Mỹ trong lĩnh vực công nghiệp, cũng đã dần chuyển sang Việt Nam”.
Nhìn chung, khi lợi thế về chi phí lao động dần biến mất ở Trung Quốc, cũng như tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, các doanh nghiệp buộc phải chuyển sang những nước có chi phí thấp, khả năng tiếp cận chuỗi cung ứng ổn định.
Đại dịch Covid-19 đã làm lộ rõ sự “mong manh” của chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, công nghệ, điển hình như IoT (internet vạn vật), AI và điện toán đám mây… vẫn là cơ hội cho các doanh nghiệp có tầm nhìn rộng hơn.
“Điều này bao gồm việc tối ưu hoá định tuyến giữa các điều kiện giao thông, vận chuyển kịp thời, làm giảm thời gian chờ đợi, cũng như tiết kiệm nhiên liệu và chi phí”, ông Rajeev nhấn mạnh.
Với việc công nghệ chuỗi cung ứng đang phát triển mạnh mẽ trên khắp các nền kinh tế quan trọng của châu Á, được thúc đẩy bởi xu hướng của người dùng trong thương mại điện tử, các doanh nghiệp sẽ cần đầu tư vào khả năng cho phép hoạt động liên thông với những nền tảng kỹ thuật số này. “Việc không theo kịp các xu hướng có thể trở thành rào cản đối với hoạt động kinh doanh, cũng như thương mại bền vững của doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch của Toll kết luận.