Theo lãnh đạo Bộ Công thương, cần tập trung xây dựng ‘luồng xanh’, ‘vùng xanh’ ở cửa khẩu biên giới và xây dựng đề án riêng cho Trung Quốc.
Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, việc ùn ứ xuất khẩu tại các cửa khẩu đường bộ biên giới phía Bắc lại tái diễn.
Theo báo cáo từ tỉnh Lạng Sơn, lượng xe tồn mỗi ngày lên đến hàng nghìn chiếc, phần lớn là xe chở nông sản.
Lạng Sơn đã thông báo các cửa khẩu tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến ngày 15/3 tới. Tuy nhiên, hàng ngày xe chở hàng vẫn lên tỉnh này bằng nhiều hình thức khác nhau. Dự kiến, từ 15/3-20/4, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn lên tới 2.000 xe…
Dưới vai trò là Ban chỉ đạo giải quyết tình trạng ách tắc hàng hóa, nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc được thành lập vào trung tuần tháng 1/2022, lãnh đạo Bộ Công thương đã chia sẻ với PV Báo Giao thông xung quanh vấn đề này.
Tập trung làm “vùng xanh”, “luồng xanh”
Theo vị lãnh đạo, tình trạng ùn tắc như hiện nay chủ yếu là do Trung Quốc kiên trì chính sách “Zero Covid”, từ đó áp dụng các biện pháp mạnh chưa từng có để phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra, năng lực bốc dỡ phía Trung Quốc cũng có phần hạn chế, khiến việc thông quan thêm chậm.
Cộng thêm việc các tỉnh biên giới phía Bắc chưa thiết lập được “vùng xanh”, “luồng xanh” ở khu vực cửa khẩu biên giới với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hòa với phía Trung Quốc.
Để giải quyết những vướng mắc trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, Bộ đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, nhằm giải quyết nhanh thủ tục kiểm dịch, kiểm soát lái xe và hàng hóa đảm bảo an toàn phòng chống dịch được cả hai nước công nhận, nhằm đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.
Bộ này cũng đã hướng dẫn các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai về việc xây dựng các “vùng xanh”, “luồng xanh”.
Đó là, có thể bố trí bãi tập kết phương tiện gần cửa khẩu, sau đó hợp tác với phía Trung Quốc để khử khuẩn cho hàng hóa và phương tiện, cũng như lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho lái xe (trong trường hợp cần thiết) tại các bãi này.
Các phương tiện và lái xe đã được 2 bên xác nhận âm tính có thể đi thẳng qua biên giới để vào bãi sang tải, không phải qua khử khuẩn hoặc xét nghiệm lần 2 nữa.
Nhận định mô hình này có thể cải thiện đáng kể hoạt động thông quan tại các cửa khẩu biên giới, hạn chế được tối đa nguy cơ ùn tắc, vị lãnh đạo nêu lên nhiều thuận lợi có thể đạt được.
Thuận lợi đầu tiên phải kể đến là khắc phục được việc phương tiện và hàng hóa đã được khử khuẩn bên phía ta, phía Trung Quốc lại khử khuẩn một lần nữa, do kết quả xét nghiệm và quy trình khử khuẩn của ta chưa được Trung Quốc công nhận.
Bên cạnh đó, khắc phục được hạn chế về diện tích khu vực phun khử khuẩn của phía Trung Quốc (như ở cửa khẩu Tân Thanh).
“Nếu phát hiện phương tiện, hàng hóa nhiễm SARS-CoV-2 bên phía Trung Quốc thì theo quy định, Trung Quốc sẽ phải ngừng hoạt động thông quan để khử khuẩn toàn bộ khu vực cửa khẩu, đôi khi mất tới 1-2 ngày.
Trong khi đó, nếu phát hiện phương tiện, hàng hóa, lái xe nhiễm SARS-CoV-2 trên đất Việt Nam thì chỉ cần không cho phương tiện đó ra cửa khẩu là đủ. Hoạt động thông quan, bốc dỡ, sang tải bên phía Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng”, là thuận lợi quan trọng nhất của “vùng xanh”, “luồng xanh”.
Xây dựng đề án riêng cho Trung Quốc
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, tuần sau bộ sẽ chủ trì họp với các bên liên quan để xây dựng phương án chuyển đổi từ tiểu ngạch sang chính ngạch, xây dựng đề án riêng về thị trường Trung Quốc, từ đó tổ chức sản xuất, tổ chức giao thương hàng hóa, củng cố các liên quan sản xuất xuất khẩu… nhằm nâng cao hiệu quả hơn.
Đồng thời, sẽ thúc đẩy nhanh hơn việc đàm phán, ký kết nghị định về công nhận hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam để làm cơ sở thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch.
Phương châm “an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn” mới có thể giải quyết được vấn đề ùn ứ tại cửa khẩu, lãnh đạo Bộ Công thương đề nghị, các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp, các thương lái, lái xe đường dài tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa là tuyệt đối an toàn.
Riêng các địa phương biên giới, cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát để bảo đảm quy trình an toàn hàng hóa, phương tiện được thực hiện một cách chính xác và nghiêm túc;
Kiên quyết loại bỏ những lô hàng có biểu hiện vi phạm quy tắc phòng chống dịch để không làm ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng, đồng thời xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có liên quan tới các lô hàng đó.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính,…).
Với tình hình hiện tại, các đơn vị cần điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiến độ thu hoạch và điều tiết lượng hàng đưa lên các cửa khẩu.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các địa phương cần đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249; Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn,… cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với khách hàng”, lãnh đạo Bộ Công thương nhấn mạnh.
Còn để giải quyết bài toán ùn tắc xuất khẩu qua tiểu ngạch, lãnh đạo Bộ Công thương cho hay, đã đề xuất với các tỉnh biên giới nhằm xây dựng các khu trung chuyển đa năng để nhà nhập khẩu tuyển chọn, sơ chế, đóng gói hàng hóa, thực hiện các thủ tục hải quan, kiểm dịch sau đó xuất khẩu qua nước bạn nhằm chủ động hơn. Sắp tới, sẽ xây dựng đề án riêng về thị trường Trung Quốc.