Cước vận chuyển tăng… 800%
Là DN chuyên sản xuất thực phẩm khô như phở, bún, miến… có thị trường tại 25 quốc gia, ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh (huyện Củ Chi) cho biết, đang phải gồng gánh mức chi phí vận tải biển tăng chóng mặt. Nếu như trước khi xảy ra dịch COVID-19, cước vận chuyển chỉ khoảng 1.000-3.000 USD/container thì sau đó tăng lên 10.000 USD/container và hiện tại là 15.000 USD/container.
“Chi phí nguyên liệu, giá thành đầu vào nhiều sản phẩm tăng cao nhưng thành phẩm không thể tăng giá khiến chúng tôi rất chật vật cân đối để duy trì sản xuất”, ông Toàn cho hay.
DN gặp khó khi cước phí vận tải biển tăng cao. |
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, theo chỉ số vận tải Freightos, giá thuê tàu chở mỗi container 40 feet ở mức gần như cao nhất mọi thời đại trên các tuyến vận tải toàn cầu. Đến nay, cước vận tải biển giữa châu Á và châu Âu vẫn cao, vì công suất các hãng tàu giảm và thiếu container.
Kết quả khảo sát của tổ chức MNSC (Malaysia) vào tháng 10/2021 cho thấy, cước vận chuyển đường biển “ở mức cao nhất mọi thời đại” vì đã tăng từ 100% đến 700% so với trước đại dịch. Cước vận tải đường biển ở một số tuyến đã tăng lên 800% so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 700%).
Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), một số DN thủy sản phản ánh, cước vận tải biển nhiều tuyến tăng cao hơn mức đỉnh điểm của năm ngoái.
Cụ thể, cước vận chuyển hàng đi Thái Lan (cảng Bangkok, Laem Chabang) tăng từ 1.600 đến 2.500 USD/container tùy hãng tàu; Philippines (Davao, Cebu, General Santos) dao động 4.000 – 5.300 USD/container; đi các cảng bờ Tây nước Mỹ dao động 12.000 – 14.000 USD/container; đi bờ Đông nước Mỹ như (Baltimore, Miami, New Orleans, Houston…) dao động ở mức cao 19.000 – 22.000 USD/container…
Xuất khẩu hàng hóa đi bờ Đông nước Mỹ đang rất khó đặt chỗ, do những cảng này có ít hãng tàu nhận vận chuyển. Có những tháng còn bị cắt bớt chuyến và có sự chênh lệch giá lớn, thậm chí cả nghìn USD giữa các hãng tàu. Việc đặt container đi các tuyến khác cũng đang rất khó khăn với mức độ khó tùy theo từng tuyến, từng hãng tàu.
Ngoài giá cước, DN xuất khẩu còn “đau đầu” khi không đặt được tàu vận chuyển hàng. Ông T, chủ một đơn vị chuyên xuất khẩu hàng trái cây đông lạnh có trụ sở tại TP Thủ Đức cho hay, tình trạng hủy đặt tàu xảy ra liên tục.
Gần tới ngày kéo container thì đại lý, hãng tàu báo với chủ hàng là hết hoặc thiếu container. DN xuất khẩu “chạy đôn chạy đáo” tìm container. “DN luôn trong trạng thái lo âu vì lỡ chuyến”, ông T. chia sẻ.
Khó khăn chồng chất
Tân Cảng Sài Gòn đã có thông báo tăng phí dịch vụ vận chuyển từ 1/4. |
Ngày 25/3, TPHCM họp báo, công bố chính thức thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn từ ngày 1/4. Theo Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TPHCM Nguyễn Ngọc Tuấn, đối tượng nộp phí là các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tạm nhập – tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển TPHCM.
Mức phí sử dụng hạ tầng cảng biển đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn (đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container); 4,4 triệu đồng/container 40 feet và 2,2 triệu đồng/container 20 feet. Hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai ngoài TPHCM chịu mức phí 500.000 đồng/container 20 feet, 1 triệu đồng/container 40 feet và 30.000 đồng/tấn (hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container).
Với hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TPHCM, mức thu lần lượt là 250.000 đồng/container 20 feet; 500.000 đồng/container 40 feet và 15.000 đồng/tấn (hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container).
Theo ông Bùi Hoà An, phí hạ tầng cảng biển giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến thu được khoảng 16.000 tỷ đồng sẽ dành để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các cảng biển.
Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn ngay sau đó đã có thông báo gửi các hãng tàu về điều chỉnh phí dịch vụ vận chuyển container đường bộ, đường thủy phục vụ qua lại giữa cảng Cát Lái – Hiệp Phước, cảng Đồng Nai và các ICD liên kết… với mức tăng 10-30% so với đơn giá được duy trì từ năm 2019. Thời gian điều chỉnh bắt đầu từ ngày 1/4. Tuyến vận chuyển từ cảng Đồng Nai đến cảng Cát Lái phí dịch vụ tăng 10%. Một container 40 H’ (kích thước như loại container 40 feet) vận chuyển đường bộ là 3,05 triệu đồng, đường thủy hết 1,38 triệu đồng. Mức tăng phí cao nhất (30%) với hàng hóa vận chuyển trong container 40 H’ từ các ICD liên kết đến Tân Cảng Cát Lái.
Theo ông Bùi Hoà An, phí hạ tầng cảng biển giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến thu được khoảng 16.000 tỷ đồng sẽ dành để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các cảng biển.
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt, các chi phí logistics đang ở mức cao. Việc thu phí hạ tầng cảng biển sẽ tạo thêm áp lực cho các DN, nhất là DN thương mại.
Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TPHCM Lý Kim Chi cho biết, DN ngành lương thực, thực phẩm đang trong giai đoạn bận rộn sản xuất và giao đơn hàng xuất khẩu nhưng phải đối diện với tình trạng giá đầu vào, đặc biệt là chi phí logistics quá cao, thời gian vận chuyển kéo dài.
“Nhiều DN thận trọng khi nhận đơn hàng, thậm chí có nơi phải từ chối đơn hàng. Trước đây, từ lúc đặt chuyến tới khi hàng hóa đến Mỹ là 28 ngày. Bây giờ, thời gian chờ container rỗng có thể tới 2 – 3 tháng. Trong khi đó, sản phẩm của chúng tôi có hạn dùng chỉ một năm, thời gian sử dụng của sản phẩm bị rút ngắn rất nhiều”, bà Chi nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 25/3, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Bùi Hoà An cho biết, nhiều DN, hiệp hội đã gửi đơn kiến nghị UBND TPHCM xem xét cho lùi thời gian thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển thêm 1 năm.
Trước đó, TPHCM đã có kế hoạch thu phí từ ngày 1/7/2021 nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kế hoạch thu phí vào ngày 1/10/2021 và sau đó tiếp tục hoãn đến 1/4. “Việc dời thời điểm thu phí coi như hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh vượt “bão” COVID-19”, ông An khẳng định.