Không khí mở rộng đầu tư đang sôi động trong ngành logistics Việt Nam nhưng chi phí vận tải sẽ khó hạ nhiệt ngay khi nhu cầu vẫn cao.
Hôm qua, SEKO Logistics – hãng dịch vụ logistics trụ sở chính tại Mỹ với 120 văn phòng tại 40 quốc gia, công bố liên doanh đầu tư tại Việt Nam. Tân binh này sở hữu hệ thống kho bãi với tổng diện tích hơn 300.000 m2 tiêu chuẩn quốc tế tại TP HCM, Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Phòng và Quảng Ninh. Họ còn có hệ thống vận tải nội địa gồm hơn 350 đầu kéo container và 150 xe tải.
Ông Anthony Barnes, Tổng giám đốc SEKO Logistics khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết đã nhìn thấy cơ hội khi nhiều doanh nghiệp nhận thấy họ dễ dàng tìm nguồn cung hàng hóa tại Việt Nam nhưng việc vận chuyển nhanh chóng, kịp thời với chi phí tối ưu là một thách thức lớn.
Những hãng logistics trong và ngoài nước khác cũng đã rục rịch mở rộng hoặc bày tỏ nguyện vọng đầu tư thêm từ đầu năm đến nay. Tuần trước, DHL Express công bố đầu tư vào dự án xây dựng Trung tâm khai thác cửa khẩu mới ở gần Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, thông qua sự hợp tác chiến lược với Công ty Dịch vụ Kho vận ALS. Trung tâm mới dự kiến vận hành đầu năm sau, với tổng diện tích là 4.500 m2, lớn gấp đôi địa điểm trước đó.
Tại cuộc gặp gỡ mới đây với lãnh đạo UBND TP HCM, một số doanh nghiệp cũng bày tỏ nguyện vọng được chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt đầu tư dự án liên quan đến hạ tầng vận tải mới.
Theo đó, “ông trùm hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyện muốn xây dựng một tổng kho dịch vụ hậu cần logistics tại TP Thủ Đức để phục vụ cho hãng hàng không IPP Air Cargo đang xin cấp phép. Cùng với đó, IPPG còn thành lập công ty Bellazio Logistics chuyên về vận chuyển và xây dựng các chuỗi kho trung tâm. Hay như MSC Việt Nam muốn được xây một cảng trung chuyển hàng hóa ở huyện Cần Giờ.
Có nhiều nguyên nhân giúp ngành logistics đang ngày càng sôi động. Theo số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistic Việt Nam (VLA), cả nước đang có 33.276 doanh nghiệp trong ngành, tập trung chính ở TP HCM (10.778) và Hà Nội (5052).
Năm qua, một số doanh nghiệp đã làm ăn thuận lợi. Theo báo cáo đầu năm nay của SSI, ngành cảng biển & logistics tăng 94% trong năm 2021, cao hơn 60% so với chỉ số VNIndex. Các cổ phiếu vận tải biển có mức tăng giá tốt nhất tăng trưởng đến 3 con số. Tình trạng dư cung trong những năm gần đây đã giảm đáng kể do một nửa đội tàu container trong nước được đưa ra thị trường quốc tế với các hợp đồng cho thuê dài hạn ít nhất là 2 năm.
Do đó, giá cước vận tải nội địa đã cải thiện từ 40-100%, theo ước tính của SSI. Điều này giúp cải thiện biên lợi nhuận với cả đội tàu chạy nội địa và đội tàu cho thuê, và dự kiến còn tiếp diễn trong ít nhất 2 năm.
Triển vọng kinh tế trong năm nay cũng là điểm hấp dẫn. Bà Linh Lê, Giám đốc điều hành Seko Logistics Việt Nam cho rằng, sự có mặt của họ “rất đúng thời điểm và đầy triển vọng” trong bối cảnh ngày càng nhiều các công ty Mỹ chọn Việt Nam để mở rộng nhà máy sản xuất hoặc đặt văn phòng sourcing (phát triển nguồn hàng).
“Việt Nam được biết đến là một trong số ít các quốc gia được xem là lựa chọn thay thế sản xuất cho Trung Quốc. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động và dịch chuyển do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chúng tôi nhận định làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự ổn định của các yếu tố kinh tế vĩ mô cũng như sự phát triển của cơ sở hạ tầng tại Việt Nam”, bà nói.
Ông Bernardo Bautista, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc quốc gia DHL Express Việt Nam dẫn báo cáo về “Chỉ số Kết nối Toàn cầu DHL 2021” cho biết, Việt Nam là quốc gia có thành tích tốt nhất trên thế giới xét về sự hỗ trợ của cộng đồng đối với giao thương toàn cầu và hợp tác kinh doanh.
“Chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang có sự phục hồi mạnh mẽ, đồng thời hoạt động xuất nhập khẩu cũng trên đà tăng trưởng”, ông nói. Gần đây, hãng chuyển phát nhanh này cũng đã nâng cấp máy bay tuyến Hà Nội – Hong Kong và tăng cường năng lực vận chuyển hàng hóa giữa TP HCM – Mỹ bằng đường bay mới vì nhu cầu chuyển phát nhanh quốc tế tăng vọt.
Tuy nhiên, việc mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp logistics có thể chưa hạ nhiệt được chi phí vận chuyển đang ở mức cao trong ngắn hạn. Theo hãng tư vấn chuyển đổi kinh doanh TMX, các vấn đề xảy ra với chuỗi cung cung ứng tại Việt Nam trong năm 2021 sẽ tiếp tục gây ra những tác động xấu trong năm nay.
Bà Lê Thị Kim Thúy, Giám đốc trải Nghiệm khách hàng của TMX Việt Nam dự báo nhu cầu vận chuyển container vẫn tăng cao và thiếu hụt container sẽ tiếp tục. Nguyên nhân là nhu cầu vận chuyển và sự thiếu hụt phương tiện hàng không đã gây nên áp lực đáng kể cho các hãng cung cấp tàu biển. Hơn 90% đội tàu toàn cầu đang được sử dụng hết công suất để phục vụ nhu cầu hiện tại.
Nhiều container được vận chuyển với mức phí bảo hiểm rất lớn gây tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp Việt Nam, bởi phần lớn lượng hàng xuất khẩu đường biển của Việt Nam phụ thuộc vào các hãng tàu quốc tế.
Phía doanh nghiệp cũng xác nhận xu hướng này. “Hiện nay giá vận chuyển một container chuối từ Ecuador đến Trung Quốc là 7.000 USD, mà từ Việt Nam sang cũng 7.000 USD. Hay như Philippines trước đây vận chuyển một container chuối sang Trung Quốc khoảng 3.000 USD thì giờ cũng chỉ tăng lên tầm 3.500 USD”, “vua chuối” Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty An Huy Long An, cho biết tại một sự kiện về phát triển logistics hôm 18/3.
Cũng tại sự kiện này, Đại diện VLA cho biết giá cước vận tải biển đang nằm ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam. “Kết nối của chúng ta với quốc tế chủ yếu là qua các hãng tàu nước ngoài chính. Vì vậy, chúng ta phải khơi gợi phát triển đội tàu của Việt Nam”, vị đại diện nói.
Đã có một số tín hiệu hy vọng. Năm ngoái, Hòa Phát không chỉ mua thêm tàu biển tải trọng lớn mà còn mở nhà máy đóng container ở Bà Rịa – Vũng Tàu, dự kiến có lô sản phẩm đầu tiên vào quý II/2022. Hay mới đây, Công ty cổ phần Vận tải biển Hải An công bố phương án thành lập và khai thác kinh doanh của Công ty liên doanh vận tải container ZIM – Haian. Dự kiến đội tàu mà họ mua về sẽ đi tuyến nội Á.
Trước đó, vào cuối tháng 11/2021, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã thiết lập tuyến vận tải container kết nối trực tiếp Việt Nam – Malaysia – Ấn Độ. “Phải có đội tàu của Việt Nam chứ chỉ phụ thuộc hãng tàu nước ngoài thì họ là người quyết định”, đại diện VLA nói.