Ngành chế biến, xuất khẩu điều mang lại kim ngạch xuất khẩu hằng năm không nhỏ cho ngành nông nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, hoạt động này không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi.
Nguy cơ thiệt hại vì lừa đảo
Theo ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam, vừa qua, 17 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều thuộc Hiệp hội điều Việt Nam gặp tình trạng trục trặc về hồ sơ chứng từ của các lô hàng gửi đến Italy và Thổ Nhĩ Kỳ.
Với hồ sơ gửi tới ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ, trong quá trình gửi hồ sơ nhờ thu từ ngân hàng Việt Nam tới các ngân hàng của người mua theo hướng dẫn, đều có sự thay đổi về số Swift. Sau khi ngân hàng của người mua nhận được bộ chứng từ thì họ thông báo người mua không phải khách hàng của họ và đã trả lại bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào và cũng không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam, dù ngân hàng Việt Nam đã gửi rất nhiều điện liên hệ nhưng vẫn không trả lời.
Còn với hồ sơ gửi đến ngân hàng tại Italy thì được thông báo rằng họ đã nhận được bộ chứng từ nhưng là các bản copy không phải bản gốc. Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu điều sang hai thị trường này rất lo lắng vì không biết bộ chứng từ gốc ở đâu.
Trong khi đó, bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể đến gặp hãng vận chuyển Cosco, YANGMING, HMM, ONE để nhận hàng.
Một doanh nghiệp đã nêu ý kiến đây là 1 vụ lừa đảo lớn vì số lượng lên đến gần 100 container với giá trị hàng trăm triệu USD. Tất cả lô hàng đi 2 thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và Italy này đều thông qua Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Kim Hạnh Việt, có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Bạch Khánh Nhựt cho hay khi hàng rời cảng, các doanh nghiệp thấy bất an vì phía đặt hàng chưa chuyển tiền gối đầu nên các doanh nghiệp đã liên tục liên hệ với công ty Kim Hạnh Việt, nhưng phía Kim Hạnh Việt trấn an cứ tiếp tục giao hàng.
Những doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động xuất khẩu điều đã nhanh chóng bay sang Singapore – cảng trung chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Italy – để yêu cầu dừng vận chuyển lô hàng vẫn còn ở cảng này. Do vậy, một số doanh nghiệp giữ lại được vài container nhân điều chưa được chuyển đi.
Trước sự cố này, Hiệp hội điều Việt Nam đã nhanh chóng gửi thống báo cầu cứu đến Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để nhờ hỗ trợ giải quyết.
Tiếng chuông cảnh tỉnh
Theo thông tin từ Hiệp hội điều Việt Nam, 17 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều đứng trước nguy cơ bị lừa đảo này đã ủy nhiệm thu cho 5 ngân hàng Việt Nam thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment – D/P).
Nhờ thu trả tiền trao chứng từ là hình thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ, theo đó người nhập khẩu chỉ lấy được bộ chứng từ khi đã chuyển vào ngân hàng đủ số tiền thanh toán. Hình thức nhờ thu này được áp dụng trong trường hợp thanh toán trả ngay.
Phương thức này có sự ràng buộc chặt chẽ giữa việc thanh toán tiền và việc nhận hàng của bên mua. Ngân hàng sẽ thay mặt người bán khống chế bộ chứng từ hàng hóa. Nhưng rủi ro ở chỗ, người bán thông qua ngân hàng mới khống chế được quyền định đoạt hàng hóa của người mua, chứ chưa thực sự khống chế được việc trả tiền của người mua.
Người mua có thể kéo dài việc trả tiền bằng cách chưa nhận chứng từ hoặc có thể không nhận hàng hóa khi tình hình thị trường bất lợi đối với họ. Như vậy, quyền lợi của bên bán vẫn chưa thực sự được đảm bảo.
Bà Nguyễn Hà Mỵ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hà Mỵ (Bình Phước) chia sẻ từ trước đến nay, Công ty cổ phần Hà Mỵ xuất khẩu nhân điều, hạt điều chế biến đi nhiều quốc gia nhưng không hề sử dụng phương thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ này, bởi đây là phương thức không chắc chắn cho doanh nghiệp.
Việc thất thoát hồ sơ, chứng từ ở một khâu nào đó rất dễ xảy ra mà người xuất khẩu lẫn nhà nhập khẩu không thể lường trước được. Vì vậy, Công ty Cổ phần Hà Mỵ luôn dùng phương thức cổ điển để xuất khẩu và giao hàng như nhận tiền đặt cọc đơn hàng mới tiến đến ký kết hợp đồng.
Ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Hoàng Sơn 1 chia sẻ theo thông lệ, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ nhận tiền đặt cọc của đơn vị nhập khẩu mới tiến hành làm hợp đồng mua bán với đơn vị nhập khẩu, số tiển đặt cọc dao động từ 20-30% giá trị đơn hàng. Đây là số tiền đảm bảo phía nhập khẩu thực sự muốn thu mua hàng hóa phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Khi đơn vị nhập khẩu không tiến hành đặt cọc, xem như giao dịch này bị hủy.
Chính vì vậy, sự việc xảy ra của 17 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều xuất hàng đi thị trường Italy và Thổ Nhĩ Kỳ là sơ suất của chính doanh nghiệp, không liên quan đến đơn vị môi giới bởi đơn vị môi giới không có trách nhiệm thanh toán cho đơn hàng.
Hơn nữa, khi doanh nghiệp xuất khẩu đặt chỗ (booking) với các hãng tàu đều có chứng từ (bill) đặt chỗ. Đây là cơ sở giữa doanh nghiệp xuất khẩu và hãng tàu. Sau khi đặt chỗ cho lô hàng xuất khẩu, ngân hàng mà doanh nghiệp xuất khẩu liên kết mới gửi bộ chứng từ gốc cho hãng tàu nhận hàng tại nước nhập khẩu để tiến hành giao hàng.
Khi ngân hàng chưa gửi Bộ chứng từ gốc cho hãng tàu đồng nghĩa hãng tàu không thể giao hàng cho nhà nhập khẩu. Sự việc xảy ra của 17 doanh nghiệp xuất khẩu điều bị mất chứng từ gốc này chứng tỏ Bộ chứng từ gốc bị mất trước khi giao cho ngân hàng kết nối của các doanh nghiệp.
Như vậy, lô hàng hàng trăm container điều xuất khẩu đi thị trường Italy và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể lấy lại được khi hàng chưa ra khỏi cảng, doanh nghiệp xuất khẩu đóng phí giữ chân cho lô hàng đó thì vẫn có thể đưa được hàng hóa về, doanh nghiệp chỉ mất phí vận chuyển đưa về, chứ không mất hàng. Bằng quy trình này, lượng container điều xuất khẩu đi Italy và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thiệt hại lớn như số lượng container ký trong các hợp đồng, ông Tạ Quang Huyên chia sẻ thêm.
Với sự việc này, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều cần cẩn trọng trong việc thực hiện ký kết hợp đồng và giao nhận hàng hóa, như vậy mới không phát sinh thêm chi phí không cần thiết và vấn đề giải quyết sẽ đơn giản hơn.