Đậu tương là một sản phẩm nông sản được trồng và sử dụng rất phổ biến ở Việt Nam nhưng nguồn nguyên liệu trên thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài như Mỹ, Canada,… Một phần là do nguồn nguyên liệu trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Đậu tương thường được sử dụng để chế biến sữa đậu nành, đậu tương sấy, đậu phụ, dầu đậu nành và một số món ăn khác; Ngoài ra đậu tương còn được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi…
Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng đậu tương để làm nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh nhưng lại chưa có kinh nghiệm trong việc nhập khẩu mặt hàng này. Bài viết này sẽ cung cấp thêm cho các bạn những thông tin cần biết khi nhập khẩu đậu tương.
Tìm nguồn hàng nhập khẩu đậu tương ở đâu?
Đậu nành có nguồn gốc ở Trung Quốc, từ đó lan sang nhiều nước khác ở Châu Á như: Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Đông Nam Á, Ấn Độ… Tuy nhiên, sản lượng đậu tương ở Đông Nam Á không đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong khu vực. Hơn nữa, quy mô và chất lượng của sản phẩm đậu tương tại đây cũng chưa được chuyên môn hóa và tập trung cao.
Tới 45% diện tích trồng đậu tương và 55% sản lượng đậu tương của thế giới nằm ở Mỹ. Nước Mỹ sản xuất 75 triệu tấn đậu tương năm 2000, trong đó hơn một phần ba được xuất khẩu. Các nước sản xuất đậu tương lớn khác là Brasil, Argentina, Trung Quốc và Ấn Độ.
Như vậy, để nhập được đậu tương với chất lượng tốt nhất và số lượng ổn định nhất, mọi người có thể tìm các nhà cung cấp từ Mỹ, Brazil, Argentina, Trung Quốc và Ấn Độ. Đặc biệt với nguồn nguyên liệu từ Mỹ có được sự tin tưởng cao nhất. Bởi đây là một thị trường khó tính với những công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến nhất. Từ đó, có thể đảm bảo về chất lượng và dễ dàng được chấp nhận bởi người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc tìm được nhà cung cấp uy tín từ các quốc gia đó là điều rất tốn kém và không hề dễ dàng, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thủ tục hải quan đối với mặt hàng đậu tương:
Chính sách chuyên ngành nhập khẩu đậu tương hạt: Thủ tục nhập khẩu đậu tương hạt làm có 2 vấn đề quan trọng nhất cần chú ý là làm kiểm dịch và kiểm tra chất lượng.
- Kiểm dịch thực vật nhập khẩu:
- Truyền dữ liệu online lên cổng thông tin một cửa quốc gia.
- Đơn đăng ký + bộ hồ sơ cứng.
- Lấy mẫu kiểm dịch và ra kết quả.
- Kiểm tra chất lượng:
- Đăng ký online cổng thông tin 1 cửa quốc gia.
- Chờ duyệt đơn đăng ký kiểm tra chất lượng.
- Đăng ký lấy mẫu kiểm tra chất lượng.
- Ra kết quả.
Mã HS code đậu tương:
Mã HS code đậu tương hạt và thuế nhập khẩu:
Nhóm 1201: Đậu tương đã hoặc chưa vỡ mảnh
- 12011000 : Hạt giống
- 12019000 : Loại khác.
Mặt hàng đậu tương được nhập về ở dạng nguyên liệu, đậu tương đã qua sơ chế sẽ được xếp vào mã HS 12019000.
Thuế:
- Thuế nhập khẩu: Mặt hàng có thuế nhập khẩu ưu đãi 0%.
- Thuế giá trị gia tăng VAT: 5%.
Hồ sơ hải quan làm thủ tục nhập khẩu đậu tương:
Bộ hồ sơ hải quan nhập khẩu gồm:
- Tờ khai hải quan nhập khẩu
- Hợp đồng (Contract)
- Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice)
- Phiếu đóng gói (Packing List)
- Vận đơn (Bill of Lading)
- Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O)
- Chứng từ thanh toán (L/C)
- Chứng thư bảo hiểm (Insurance Certificate)
- Chứng thư kiểm dịch (Phytosanitary Certificate)
Ngoài những chứng từ bắt buộc trên, để tránh việc Hải quan làm khó, bạn có thể chuẩn bị thêm những chứng từ như: giấy chứng nhận chất lượng, số lượng; giấy chứng nhận kiểm định (QA); giấy chứng nhận vệ sinh (sanitary certificate); chứng thư hun trùng (Fumigation certificate);…
Thủ tục đăng ký, khai hải quan thực hiện theo Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quỵ định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
Trên đây là một số điều cần biết khi nhập khẩu đậu tương. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí và công sức, các bạn có thể tìm kiếm nguồn hàng từ các công ty phân phối trong nước với chất lượng tốt và giá thành hợp lý hơn.