Nhiều nội dung cải cách so với quy định hiện hành về kiểm tra chất lượng hàng hóa được quy định tại dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Thủ tục kiểm tra hoàn toàn thực hiện trên NSW
Theo quy định hiện hành tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp được thực hiện kiểm tra chất lượng sau thông quan, nhưng thực chất sau khi hàng hóa được thông quan, doanh nghiệp phải thực hiện lấy mẫu để đánh giá sự phù hợp. Sau 3 lần kiểm tra, đánh giá liên tiếp đối với một mặt hàng của chính doanh nghiệp đó, nếu đạt yêu cầu, doanh nghiệp phải làm thủ tục tại cơ quan kiểm tra để được miễn kiểm tra trong 2 năm. Quy định này làm phát sinh thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tạo cơ chế xin cho.
Nhằm đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về việc chuyển mạnh từ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” tại Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 41/NQ-CP, kế thừa quy định hiện hành, dự thảo Nghị định quy định đối với hàng hóa thuộc diện kiểm tra sau thông quan nhằm đảm bảo toàn bộ thủ tục kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhóm 2 được thực hiện đồng bộ trên Hệ thống một cửa quốc gia (NSW), dựa trên một nguyên tắc thống nhất do Chính phủ quy định.
Ngoài ra, đối với hàng hóa kiểm tra chất lượng sau thông quan, dự thảo Nghị định quy định nhiều nội dung cải cách so với quy định hiện hành tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, cụ thể: thủ tục kiểm tra hoàn toàn thực hiện trên NSW. Hàng hóa nhập khẩu chỉ phải công bố hợp quy 1 lần (lấy mẫu hàng hóa để đánh giá sự phù hợp). Các lần nhập khẩu tiếp theo được miễn kiểm tra, không biệt nhà nhập khẩu.
Đối với hàng hóa chưa công bố hợp quy, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra trên NSW; việc kiểm tra chất lượng được thực hiện sau thông quan như hiện hành, nếu hàng hóa đạt yêu cầu về chất lượng, NSW tự động cấp mã số đăng ký bản công bố hợp quy để các lô hàng tiếp theo được miễn kiểm tra.
Đơn giản thủ tục kiểm tra chất lượng
Đánh giá về những tác động chính sách khi cải cách thủ tục kiểm tra chất lượng nói chung tại dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, Bộ Tài chính cho rằng việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến kiểm tra nhà nước về chất lượng không làm phát sinh chi phí, giúp cắt giảm số lô hàng cần phải kiểm tra dẫn đến giảm thiểu chi phí thương mại do giảm yêu cầu về hàng tồn kho và vốn cho phép kinh doanh sản xuất hiệu quả hơn. Theo đó, sẽ khuyến khích tăng trưởng đặc biệt là đối với các nhà sản xuất và nhà phân phối, thúc đẩy xuất khẩu và tăng sản lượng cuối cùng, mang lại nhiều cơ hội hiệu quả hơn cho nền kinh tế.
Đối với Chính phủ, việc thống nhất đầu mối kiểm tra với việc thực hiện thủ tục hải quan là xu hướng quốc tế, góp phần giúp hội nhập tốt hơn tăng uy tín của Chính phủ, cải thiện chỉ số cải cách hành chính, góp phần nâng hạng xếp hạng vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín thế giới về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Chính phủ tiết kiệm ngân sách thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, giảm chi phí cho một bộ máy kiểm tra chất lượng cồng kềnh, giảm thời gian thông quan hàng hóa.
Đối với doanh nghiệp nhập khẩu tiết kiệm được thời gian làm thủ tục kiểm tra chất lượng, vì việc thực hiện thủ tục thông qua một đầu mối; thủ tục kiểm tra được lồng ghép trong thủ tục hải quan; áp dụng điện tử hóa tối đa vào quy trình kiểm tra; tạo thuận lợi giải quyết vướng mắc khi có vấn đề phát sinh, do thống nhất về cơ quan chịu trách nhiệm cuối cùng trước khi thông quan; tiết kiệm chi phí khi lô hàng được miễn, giảm kiểm tra (đối tượng được miễn kiểm tra được mở rộng hơn); môi trường kinh doanh cạnh tranh và bình đẳng hơn, do hàng nhập khẩu sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn, minh bạch và khách quan hơn.
Doanh nghiệp chủ động nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng tại cơ quan kiểm tra hoặc cơ quan Hải quan, được lựa chọn tổ chức chứng nhận hoặc tổ chức giám định được chỉ định để chứng nhận, giám định đối với hàng hóa thuộc trường hợp phải lấy mẫu để chứng nhận, giám định.
Hồ sơ đăng ký kiểm tra được cắt giảm, đơn giản hóa. Cụ thể, hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng gồm 3 chứng từ sau: Bản đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo các chỉ tiêu thông tin ban hành kèm theo Nghị định; hóa đơn thương mại; ảnh nhãn hàng hóa hoặc bản thiết kế hoàn chỉnh nhãn hàng hóa dưới dạng dữ liệu điện tử đối với hàng hóa nhập khẩu phải có nhãn theo quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa.
So với quy định tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP, Nghị định 154/2018/NĐ-CP thì dự thảo Nghị định đã cắt giảm được 6/10 chứng từ tổ chức, cá nhân phải nộp/xuất trình khi thực hiện việc kiểm tra nhà nước về chất lượng. Những chứng từ được cắt giảm là những chứng từ hiện nay quy định là “nếu có”. Việc cắt giảm các chứng từ này giúp đơn giản và minh bạch hồ sơ, tránh tùy tiện trong quá trình thực hiện.
Trình tự, thủ tục đăng ký bản công bố hợp quy cũng được đơn giản hóa. Về phía doanh nghiệp việc chỉ phải thực hiện đăng ký bản công bố hợp quy một lần trên NSW và được sử dụng mã số đăng ký để làm thủ tục kiểm tra cho các lần nhập khẩu tiếp theo; thủ tục đăng ký được thực hiện điện tử hoàn toàn (gửi hồ sơ, tiếp nhận kết quả) giúp doanh nghiệp cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra, cắt giảm chi phí, hàng hóa nhanh chóng được thông quan để đưa vào kinh doanh, sản xuất; khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật để được áp dụng các phương thức kiểm tra đơn giản.
Trường hợp doanh nghiệp thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng cùng thời điểm với thực hiện thủ tục hải quan, và doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng tại cơ quan Hải quan thì trong thời hạn làm thủ tục hải quan theo quy định của Luật Hải quan (không quá 2 giờ làm việc kể từ thời điểm nhận đủ hồ sơ), cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa sẽ đồng thời hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng và hồ sơ hải quan.
Mặt khác, việc kiểm tra hồ sơ (bao gồm cả hồ sơ hải quan và hồ sơ kiểm tra nhà nước về chất lượng) chỉ đơn thuần là việc kiểm tra đối chiếu sự đầy đủ, tính đầy đủ phù hợp của các chứng từ, không đòi hỏi nhiều về chuyên môn, kỹ thuật nên trong quá trình giải quyết thủ tục, công chức hải quan hoàn toàn có khả năng thực hiện. Như vậy, doanh nghiệp sẽ giảm được thời gian thực hiện thủ tục, giảm đầu mối tiếp xúc, giảm chi phí, thuận lợi hơn trong thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa.