Hoàn thiện cơ sở pháp lý, tái thiết kế tổng thể công nghệ thông tin, tăng cường hợp tác quốc tế… là những nhóm giải pháp được ngành Hải quan đưa ra để xây dựng mô hình Hải quan thông minh.
Cụ thể, Tổng cục Hải quan đề ra 7 nhóm giải pháp để xây dựng mô hình Hải quan thông minh gồm:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý trên cơ sở rà soát sửa đổi, bổ sung toàn diện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình thủ tục hải quan đáp ứng yêu cầu mô hình hải quan thông minh, số hóa các nghiệp vụ hải quan.
Thứ hai, đơn giản hóa thủ tục hải quan trên cơ sở áp dụng các chuẩn mực quản lý hải quan hiện đại. Tinh giản bộ máy tổ chức hải quan tại các cấp cơ sở hướng tới xây dựng mô hình hải quan tập trung, phù hợp với địa bàn quản lý và yêu cầu công việc, giảm bớt các khâu trung gian, hạn chế sự chồng chéo, không thống nhất, tiêu cực, nhũng nhiễu trong thực thi nhiệm vụ của công chức hải quan, tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực cán bộ hải quan.
Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp trao đổi thông tin để tiếp cận với mô hình quản lý của một số nước tiên tiến và mô hình hải quan hiện đại do Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) khuyến nghị và đề xuất, mô hình quản lý rủi ro, mô hình quản lý tuân thủ.
Thứ tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học trong cách mạng công nghiệp 4.0 như kết nối internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Bigdata), chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích thông minh (BI), điện toán đám mây (Cloud), di động (Mobility),…
Thứ năm, tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin tổng thể của ngành Hải quan, xây dựng các công cụ về các giải pháp công nghệ thông tin hỗ trợ các yêu cầu quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo hướng quản lý điều hành tập trung tại cơ quan Hải quan.
Thứ sáu, hoàn thiện công tác thu thập và xử lý thông tin, đẩy mạnh trao đổi thông tin thông qua Cơ chế một cửa ASEAN, trao đổi C/O điện tử…; tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin với các bộ, ngành.
Thứ bảy, nghiên cứu đề xuất các mô hình hải quan dịch vụ theo hướng xã hội hóa, tăng cường kết nối hải quan – doanh nghiệp; đề xuất các hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực hải quan.
* Ngày 27/8/2021, Đảng ủy cơ quan Tổng cục Hải quan đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/ĐU của Ban chấp hành Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030; tổ chức thực hiện thành công Hải quan số, Hải quan thông minh và kiểm tra chuyên ngành.
Một số mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra:
Hoàn thiện, ban hành Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược trong phạm vi toàn ngành Hải quan, trong đó, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện thành công 2 nhiệm vụ trọng tâm:
– Thực hiện thành công, có hiệu quả mô hình kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu với mục đích cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
– Thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh, trọng tâm là tổ chức thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, đúng tiến độ theo chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính tại Thông báo số 18-TB/BCSĐ ngày 11/6/2021.
Thời gian phấn đấu triển khai chính thức hệ thống công nghệ thông tin mới: Từ ngày 1/1/2023.