Bên cạnh các hình giao dịch hàng hóa thông thường, lĩnh vực xuất nhập khẩu còn có các hình thức giao dịch khác như Mua bán đối lưu và giao dịch tái xuất. Tuy giao dịch này không quá thông dụng nhưng trong một số trường hợp đặc biệt vẫn được áp dụng.
Cùng tìm hiểu khái niệm và hình thức thực hiện của giao dịch mua bán đối lưu và giao dịch tái xuất trong các thông tin dưới đây:
1.Mua bán đối lưu
Mua bán đối lưu (counter trade) là phương thức giao dịch trao đổi hàng hóa đặc biệt, trong đó người xuất khẩu cũng chính là người nhập khẩu, người bán chính là người mua, hàng hóa trong phương thức này vừa là phương tiện vừa là mục tiêu của hoạt động trao đổi. Phương thức này có những đặc điểm chính sau đây:
- Người bán cũng chính là người mua
- Hàng hóa trao đổi có giá trị tương đường
- Đồng tiền chủ yếu là thước đo giá trị
- Tuân thủ yêu cầu cân bằng chặt chẽ
Loại hình mua bán đối lưu
Khi mua bán theo phương thức này các bên cần đảm bảo các yêu cầu cân bằng về giá trị của hàng hóa; giá cả; tổng giá trị và các điều kiện giao hàng. Trong thương mại quốc tế có các loại hình mua bán đối lưu:
- Đổi hàng (Barter)
- Bù trừ (Compensation)
- Mua đối lưu (Counter – Purchase)
- Chuyển nợ (Switch)
- Giao dịch bồi hoàn (Offset)
- Mua lại sản phẩm (Buy-backs)
Khi giao dịch buôn bán đối lưu các bên phải hết sức lưu ý các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng sau: Dùng thư tín dụng đối ứng; dùng bên thứ ba khống chế hàng hóa hay chứng từ sở hữu hàng hóa; sử dụng tài khoản đặc biệt tại ngân hàng hoặc phạt bằng ngoại tệ mạnh
2.Giao dịch tái xuất
Kinh doanh tái xuất (re-export) là việc xuất khẩu hàng hóa đã nhập khẩu trước đây mà chưa qua khâu chế biến nào tại nước tái xuất nhằm mục đích thu về một lượng ngoại tệ lớn hơn chi phí nhập khẩu.
Thực hiện giao dịch này, nhà kinh doanh tái xuất phải thực hiện hai hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu trên cơ sở hai hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Trong giao dịch này luôn có sự tham gia của ba bên (bên xuất khẩu, người kinh doanh tái xuất và bên nhập khẩu), chính vì vậy giao dịch này còn được gọi là giao dịch ba bên hay giao dịch tam giá.
Kinh doanh tái xuất có những đặc điểm:
- Người bán chính là người mua;
- Mục đích là chênh lệch giá;
- Thường có 3 bên tham gia vào quá trình giao dịch;
- Hàng hóa chưa qua bất kỳ khâu chế biến nào
- Hàng hóa có cung cầu lớn, hoặc thường xuyên biến động.
Kinh doanh tái xuất có thể được thực hiện bằng một trong hai loại hình sau:
a/Tái xuất đúng thực nghĩa
Là việc hàng hóa được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên cùng lãnh thổ được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật nước tái xuất, có làm thủ tục nhập khẩu vào nước tái xuất và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hóa đó ta khỏi nước tái xuất. Ngược chiều với sự vận động của hàng hóa là sự vân động của đồng tiền, nhà kinh doanh tái xuất vừa là người hưởng lợi đồng thời có nghĩa vụ thanh toán.
b/Chuyển khẩu
Chuyển khẩu hàng hóa là việc nhập khẩu hàng hóa từ một nước vùng lãnh thổ để xuất khẩu sang nước, vùng lãnh thổ ngoài lãnh thổ nước tái xuất mà không làm thủ tục nhập khẩu và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi nước tái xuất.
Có 3 hình thức chuyển khẩu:
- Hàng hóa được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu mà không qua nước tái xuất
- Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu nước tái xuất nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào và không được làm thủ tục XK ra khỏi nước tái xuất.
- Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu nước tái xuất và đưa vào kho ngoại quan, khu vực trung chuyển hàng hóa tại các cảng nước tái xuất, không làm thủ tục nhập khẩu vào và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi nước tái xuất.
Hoạt động kinh doanh tái xuất được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng nhập khẩu. Hợp đồng xuất khẩu có thể ký trước hoặc sau hợp đồng nhập khẩu. Đây là hai hợp đồng riêng biệt nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, đối tượng của cả hai hợp đồng đều là một hàng hóa duy nhất. Hai hợp đồng có các điều kiện phù hợp với nhau như: thanh toán, thời gian giao hàng, bao bì, ký mã hiệu, chứng từ thanh toán.
Để thực hiện giao dịch tái xuất có hiệu quả, hợp đồng NK phải tạo cơ sở đầy đủ và chắc chắn cho việc thực hiện hợp đồng XK.
Biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng:
Trong phương thức này các bên cần quan tâm đến các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng:
- Tiền đặt cọc (deposit)
- Phạt vi phạm hợp đồng
- Sử dụng thư tín dụng giáp lưng (back to back L/C)
Thư tín dụng trong trường hợp này giống như một biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng nhưng đồng thời là phương thức thanh toán của giao dịch. Theo đó, back to back L/C là thư tín dụng được mở dựa vào một thư tín dụng khác. Sau khi nhận được L/C do người nhập khẩu mở cho mình hưởng, người tái xuất dùng thư tín dụng này làm căn cứ mở L/C khác cho người xuất khẩu hưởng với nội dung gần giống L/C ban đầu. L/C mở sau gọi là L/C giáp lưng. Dùng phương thức này người tái xuất tranh thủ được vốn của bên nhập khẩu đồng thời tối đa hóa được lợi nhuận vì giảm thiểu chi phí giao dịch.
- Bên nhập khẩu mở L/C1 để bên tái xuất giao hàng. L/C 1 được gọi là L/C gốc
- Bên tái xuất sẽ dùng L/C 1 đến Ngân hàng để ký quỹ mở L/C 2. L/C 2 được gọi là L/C giáp lưng