Giá cước tàu biển, cước vận tải và logistics tăng cao đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh nguyên nhân và giải pháp các cơ quan chức năng đang triển khai để kéo giảm đà tăng này.
Chi phí logistics tăng cao ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu
Thưa ông, thời gian vừa qua, tình trạng tăng giá cước tàu biển kéo dài đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước. Nguyên nhân của tình trạng này là gì?
Việc tăng giá cước tàu biển đã bắt đầu diễn ra từ tháng 4/2020, nguyên nhân chính là do tình trạng giãn cách, phong tỏa ở một số thị trường chính như khu vực châu Âu và Bắc Mỹ dẫn đến việc các cảng trọng điểm, trọng yếu của các khu vực này bị giảm năng suất bốc xếp, các chuyến tàu đi sang khu vực này bị giảm số lượng.
Đến thời điểm này, khi dịch Covid-19 bước đầu được khống chế và cả khu vực châu Âu, bắc Mỹ đã được triển khai tiêm vắc xin đại trà thì sức mua đang phục hồi trở lại rất mạnh mẽ. Các cảng biển cũng khôi phục lại được năng lực bốc xếp. Tuy nhiên, do nhu cầu hàng hóa tăng đột biến nên nhu cầu vận chuyển bằng đường biển cũng tiếp tục tăng khiến giá cước vận chuyển bằng đường biển còn duy trì ở mức cao từ đầu năm đến nay.
Việc tăng giá này tác động ra sao đến các doanh nghiệp logistics hay doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương
Cho đến nay, chúng ta cũng thấy tác động của việc tăng giá cước là tác động mang tính chất toàn cầu, không phải chỉ có các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam mà doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng và điều này đương sẽ có các yếu tố liên quan đến nhiều mặt.
Cụ thể, đối với giá thành thì người mua cuối cùng sẽ là người chịu tất cả các chi phí liên quan bao gồm cả vận chuyển. Tuy nhiên, trong quan hệ giữa nhà xuất khẩu Việt Nam với người mua hàng ở nước ngoài, đây là mối quan hệ vừa có hợp tác, vừa có yếu tố thương thảo, thảo luận. Về cơ bản, đa số các hợp đồng hiện nay thì người mua, người nhập khẩu sẽ là người trả tiền cho vận chuyển, sau đó họ tính giá cước này vào giá thành. Nhưng, trong một số trường hợp, có thể là người mua sẽ yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam chịu chi phí, thậm chí nếu người mua không chịu được mức tăng như vậy thì người mua sẽ trả lại không tiếp tục bán hàng. Điều đó đương nhiên ảnh hưởng khiến các doanh nghiệp của Việt Nam theo hướng hoặc là không tiếp tục bán được hàng hoặc để bán được hàng phải chấp nhận giảm lợi nhuận, thậm chí chấp nhận lỗ để có thể chia sẻ với các đối tác. Vì vậy tác động của việc tăng giá cước là rất lớn và về lâu dài nó cũng có thể tạo ra mặt bằng giá mới. Nó sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp nhỏ phải thích nghi và chấp nhận mức giá mới. Cuối cùng, người mua hàng cũng phải chấp nhận một mức giá cao hơn cho sản phẩm.
Bộ Công Thương đã có kiến nghị giải pháp gì để giải quyết vấn đề này, thưa ông?
Về vấn đề về cước vận tải biển thì hiện nay Bộ Giao thông Vận tải (Cục Hàng hải Việt Nam) đang là đơn vị chủ trì. Trong thời gian vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập một đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các hãng tàu nước ngoài, trong đó có vấn đề công bố các quy định về cước phí. Hiện nay thì tôi biết là Bộ Giao thông Vận tải đang hoàn thiện kết luận đó để có thể báo cáo với Chính phủ và đưa ra biện pháp cần thiết.
Về phía Bộ Công Thương đã có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam trong việc làm việc với các hãng tàu cũng như là đưa ra những khuyến cáo cho doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh các yếu tố tác động đến hoạt động thương mại, đến dòng chảy hàng hóa trở nên biến động và bất thường như hiện nay thì không phải chỉ là vấn đề chi phí mà còn những vấn đề khác như là chính trị, an ninh, thiên tai cũng đều là những yếu tố có thể tác động đến chi phí giá thành. Điều này đòi hỏi phải có kịch bản đối phó toàn diện hơn nữa để vượt qua những rủi ro.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang rất là phức tạp như hiện nay, việc bắt buộc tài xế phải xét nghiệm khi đi qua các địa phương vùng dịch cũng ảnh hưởng đến chi phí của các doanh nghiệp. Ông chia sẻ gì về vấn đề này?
Hiện nay, các quy định về phòng dịch vẫn đang được thực hiện theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ Y tế cũng có văn bản hướng dẫn cho các địa phương sử dụng phương thức test nhanh như là một phương thức đủ tin cậy, có chi chi phí hợp lý để sử dụng cho các biện pháp phòng dịch ở địa phương. Hiện nay đa số địa phương vẫn yêu cầu các lái xe từ địa phương khác vào địa phương của mình xét nghiệm PCR với chi phí 750.000-900.000 đồng một lần. Đương nhiên với mỗi lái xe, việc mỗi lần ra vào địa phương đều phải xét nghiệm dẫn đến chi phí lớn. Vậy thì các địa phương ở đây cũng có thể xem xét theo hướng dẫn của Bộ Y tế sử dụng đồng thời việc test nhanh cùng các biện pháp như niêm phong cabin, sử dụng đồ phòng hộ, tuân thủ chặt chẽ những hướng dẫn địa phương… để có thể vừa phòng dịch, vừa không tạo ra thêm những chi phí, gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Nguon: congthuongvn