76,2% DOANH NGHIỆP GẶP KHÓ KHĂN TRONG VIỆC XÁC ĐỊNH MÃ HS

Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có tới 76,2% số doanh nghiệp cho rằng họ gặp khó khăn trong việc xác định mã HS.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những khảo sát doanh nghiệp về thủ tục hành chính xuất nhập khẩu của VCCI cho thấy, mức độ hài lòng của doanh nghiệp với các thủ tục xuất nhập khẩu như thủ tục hải quan; quản lý, kiểm tra chuyên ngành; tiếp cận thông tin; kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa…. ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, mã HS vẫn là vấn đề nóng do giữa hải quan và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung.

“Rất nhiều doanh nghiệp gặp trở ngại khi xác nhận mã HS (mã hàng hóa dùng để xác định thuế xuất nhập khẩu) ở giai đoạn trước khi khai hải quan. Tình trạng này không những không giảm, mà còn gia tăng. Khảo sát năm 2020 của VCCI cho thấy, có tới 76,2% số doanh nghiệp cho rằng, họ gặp khó khăn trong việc xác định mã HS, tăng đáng kể so với tỷ lệ 66,3% vào năm 2018”, ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, tình trạng áp mã HS không thống nhất giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, có tình trạng xác nhận mã HS giữa của cơ quan hải quan này với cơ quan hải quan khác không giống nhau khiến nhiều doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính, bị truy thu thuế xuất – nhập khẩu oan. Để tránh tình trạng này, nhiều doanh nghiệp đã tham vấn trước với cơ quan hải quan về mã HS, nhưng việc tham vấn không hề dễ dàng và mất rất nhiều thời gian.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, do việc áp mã HS sai, nên nhiều doanh nghiệp đáng ra không phải nộp thuế nhập khẩu lại phải nộp, đáng ra chỉ phải nộp mức thuế thấp thì phải nộp thuế suất cao hơn, thậm chí nhiều doanh nghiệp bị truy thu thuế sau khi cơ quan hải quan áp lại mã số HS.

Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, ông Trần Quang Trung nói thêm, nhiều thành viên Hiệp hội phản ánh, cùng một mặt hàng, tuần này ở cửa khẩu này bị áp mã HS này, nhưng tuần sau cửa khẩu khác lại bị áp mã HS khác. “Tình trạng này khiến doanh nghiệp rất bức xúc, đã phản ánh lên Tổng cục Hải quan và ngay lập tức được áp đúng mã HS đối với hàng hóa. Nếu không có việc xác định mã HS sai thì cần gì phải áp lại”, ông Trung nhấn mạnh.

Còn theo ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên Hiệp hội Logistics Việt Nam, Giám đốc Công ty Logistics quốc tế Delta cho biết, thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), đa số hàng nhập khẩu được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% hoặc chịu thuế suất thấp, nên doanh nghiệp không có động cơ áp sai mã HS. “Nếu cố tình áp mã HS sai để giảm thuế nhập khẩu, thì thuế thu nhập doanh nghiệp nộp ở khâu tiêu thụ hàng hóa trong thị trường nội địa sẽ tăng”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics rất mong cơ quan hải quan nhìn nhận lại việc áp mã HS theo hướng cởi mở hơn để tránh việc rất nhiều trường hợp bị áp mã HS oan uổng khiến lợi nhuận của doanh nghiệp hầu như không còn do không thể cạnh tranh được khi tiêu thụ hàng hóa ở thị trường nội địa với doanh nghiệp khác.

Liên quan tới vấn đề trên, hồi giữa tháng 5/2021, Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan hải quan đang tích cực đàm phán xây dựng danh mục HS (mã số dùng để phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu trên thế giới); Danh mục biểu thuế ASEAN, đưa các mặt hàng dễ lẫn, khó phân loại vào danh mục với các tiêu chí rõ ràng để thống nhất.

Theo Tổng cục Hải quan, do hiểu khác nhau về các văn bản pháp luật; do tính chất đặc thù của chuyên môn, đặc biệt mã HS và trị giá hải quan; thông tin khai báo từ doanh nghiệp chưa đầy đủ hoặc do năng lực thực thi của một số cán bộ công chức hải quan nên nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi xác định mã số hàng.

Hiện vẫn tồn tại các trường hợp dùng mã số không thống nhất đối với cùng mặt hàng cho nên mục tiêu khi xây dựng các danh mục HS của Tổ chức Hải quan thế giới, danh mục Biểu thuế ASEAN và danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam nhằm tạo thuận lợi thương mại và kiểm soát hàng hóa.

Cùng với sự phát triển mạnh của công nghệ, nhiều mặt hàng được tích hợp nhiều công dụng, nhiều thành phần… dẫn tới khó xác định, khó phân biệt khi phân loại. Việc áp dụng quản lý rủi ro trong thông quan với mục tiêu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để tạo thuận lợi thương mại, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nên phát sinh một số trường hợp hàng hóa thuộc tờ khai luồng xanh nhập khẩu cùng một mặt hàng nhưng doanh nghiệp khai báo mã số khác nhau. Việc này sẽ được kiểm tra, điều chỉnh sau thông quan.

Tổng cục Hải quan đang nỗ lực triển khai các giải pháp khắc phục như: Đề xuất kiến nghị sửa biểu thuế với các nguyên tắc làm đơn giản hóa biểu thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý tập trung để tra cứu, thống nhất trong phân loại. Hệ thống đang tiếp tục được nâng cấp, xây dựng mới để sử dụng có hiệu quả hơn việc kiểm tra, kiểm soát việc khai báo, áp dụng mã số.

Phía Hải quan sẽ có công văn hướng dẫn thống nhất đối với các mặt hàng khó, phức tạp, các mặt hàng có ý kiến của Tổ chức Hải quan thế giới nhưng còn chưa được sửa trong danh mục HS (còn chờ sửa theo định kỳ 5 năm một lần)… Đồng thời xây dựng danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về phân loại hàng hóa và áp dụng mức thuế để làm cơ sở cho cán bộ hải quan kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng dễ lẫn, khó phân loại, hàng có tính rủi ro cao về mã số, ngăn ngừa gian lận khi áp dụng các biểu thuế.

Theo Tổng cục Hải quan, người khai hải quan tự kê khai, tự xác định trị giá hải quan. Cơ quan hải quan kiểm tra và xử lý kết quả, tham vấn theo quy định. Trường hợp đủ cơ sở bác bỏ trị giá do người khai hải quan tự xác định, kê khai thì xác định trị giá.

Người khai hải quan được yêu cầu cơ quan hải quan thông báo bằng văn bản về trị giá hải quan, cơ sở, phương pháp được sử dụng để xác định trị giá hải quan trong trường hợp trị giá hải quan do cơ quan hải quan xác định. Nếu doanh nghiệp không đồng ý với kết quả xác định trị giá của hải quan, được quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

contact us